Trẻ nhiễm virus RSV tăng đột biến, một trẻ mắc có thể lây 5 trẻ khác
(Dân trí) - Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, tuần qua các giường điều trị đều kín bệnh nhân nhiễm virus RSV. Đáng nói, ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh gây chuyển biến viêm phổi, suy hô hấp nhanh.
Vừa thở khò khè, nhập viện đã phải thở oxy
BSCKII Nguyễn Thùy Dương - Trưởng khoa Nhi cho biết, hầu hết các bệnh nhi phải nhập viện điều trị đều do nhiễm virus hợp bào RSV. Đặc biệt ở nhóm trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, trẻ sơ sinh, diễn biến gây suy hô hấp, viêm phổi rất nhanh.
BS Dương thông tin về 3 trường hợp đều là trẻ dưới 1 tháng tuổi đang nằm điều trị tại phòng cấp cứu Sơ sinh do mắc virus hợp bào RSV. Cả 3 trẻ đều phải thở oxy do bị suy hô hấp, trong đó 2 bé nhập viện trong tình trạng nặng, suy hô hấp, biến chứng viêm phổi.
Người nhà bệnh nhi cho biết, 4 ngày trước khi vào viện, các cháu bị ho, sốt, khò khè. Dù gia đình tích cực vệ sinh mũi nhưng con thở ngày càng nặng hơn.
Cạnh phòng 3 bệnh nhi này cũng là 5 trẻ nhỏ bị nhiễm virus hợp bào RSV đang điều trị.
"Khi con được 17 ngày tuổi, tôi thấy con húng hắng ho, sau đó bắt đầu sốt, gia đình theo dõi thấy con không đỡ, thở khò khè nên đã đưa đến viện. Vừa vào viện, con đã ở tình trạng suy hô hấp, khó thở, ăn kém, phải thở oxy", mẹ bệnh nhi chia sẻ.
Nhận biết sớm dấu hiệu chuyển nặng
BS Dương cho biết, virus RSV gây triệu chứng rất dễ trùng với các bệnh đường hô hấp khác như viêm long đường hô hấp, sốt giống cảm lạnh, cảm cúm thông thường, rất khó để phân biệt.
Vì thế, khi trẻ sốt, chảy mũi, ho cần theo dõi chặt. Nếu trẻ có biểu hiện ho, khò khè, khó thở cần được đưa đến bệnh viện khám và chẩn đoán, điều trị. Ở một số trường hợp, virus RSV gây biến chứng viêm tiểu phế quản, viêm phổi.
Virus hợp bào hô hấp lây lan rất nhanh, chỉ sau virus cúm. Chúng lây dễ dàng từ người sang người qua dịch tiết đường hô hấp như ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc trực tiếp như bắt tay, hôn… Ước tính, cứ một trẻ nhiễm virus có khả năng lây cho 5 trẻ khác.
Các bác sĩ cho biết, virus hợp bào RSV không phải là virus mới, nhưng được chú ý vì gây suy giảm miễn dịch, thường biến chứng nặng và chuyển biến nhanh.
Hơn nữa, loại virus này hay đồng nhiễm hơn các loại virus, vi khuẩn khác, vì thế nhiều trường hợp bội nhiễm phải dùng kháng sinh.
Đến nay, virus RSV không có thuốc đặc trị nên chủ yếu chăm sóc, điều trị triệu chứng, hỗ trợ nâng cao thể trạng cho các bé.
Thông thường, các ca nhiễm RSV thường không nghiêm trọng nhưng trong một số trường hợp đặc biệt như trẻ sơ sinh, trẻ có hệ miễn dịch non yếu thì bệnh gây ra biến chứng viêm phổi và viêm tiểu phế quản, viêm tai giữa... Vì thế, việc theo dõi chặt khi trẻ có dấu hiệu ho, sốt, khò khè là rất quan trọng.
BS.Dương khuyến cáo, để phòng bệnh cho trẻ, nên hạn chế cho trẻ đến nơi đông người, cần cho trẻ đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, đảm bảo 5K, tiêm phòng đầy đủ cho trẻ, tránh để trẻ tiếp xúc với trẻ khác có dấu hiệu bệnh như ho, sốt.
Người chăm sóc trẻ cần thường xuyên vệ sinh tay sạch sẽ. Bên cạnh đó, cho trẻ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bú mẹ đầy đủ. Người lớn khi đi ra ngoài về nên vệ sinh sạch sẽ trước khi chăm bẵm, bế trẻ.