Trẻ nhập viện nhiều vì rét đậm, rét hại

(Dân trí) - Thời tiết lạnh kéo dài ở miền Bắc đã ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể của trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh. Riêng tại Viện Nhi TƯ, hiện có khoảng 180 trẻ bị viêm phổi, viêm phế quản, suy hô hấp, tiêu chảy... đang được điều trị nội trú.

BS Nguyễn Thị Thế Thanh, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cho biết, nhiệt độ trung bình từ 8-12oC, thậm chí có nơi chỉ từ 1-2 độ C như hiện nay đã khiến lượng bệnh nhân nhi đến khám và nhập viện điều trị tăng lên đáng kể. Chỉ riêng khoa Nhi của bệnh viện Bạch Mai hiện có khoảng 60 - 70 bệnh nhân nhi, cao điểm lên tới 90 bệnh nhi điều trị nội trú, chủ yếu là bệnh viêm phổi, hen, suyễn và có cả những trường hợp nặng như suy thận, hội chứng thận hư do thời tiết giá lạnh.

Theo bác sỹ Thanh, trong thời tiết này, phụ huynh nên cho trẻ ở nhà vì cơ thể trẻ rất mẫn cảm với nhiệt độ quá lạnh, sức đề kháng cũng không tốt như người lớn. “Trẻ nên được thường xuyên vệ sinh mũi họng để giảm nguy cơ viêm phổi. Đặc biệt không nên để trẻ chơi, vận động nhiều ra mồ hôi, gặp không khí lạnh sẽ dễ bị cảm sốt”, bác sỹ Thanh nhấn mạnh.

Có mặt tại Khoa Sơ sinh thuộc Bệnh viện Nhi TƯ, PV Dân trí cũng chứng kiến cảnh các bác sĩ, y tá bệnh viện tất bật do lượng bệnh nhân nhi nhập viện quá đông. “Ngày cao nhất của chúng tôi lên đến 200 bệnh nhi, hiện có khoảng 180 bệnh nhi đang điều trị viêm phổi, viêm phế quản, suy hô hấp, tiêu chảy. Đặc biệt phân nửa trong số này là trẻ sinh non, vì chức năng hô hấp của trẻ sinh non vốn đã không hoàn thiện, trong thời tiết giá lạnh này lại càng ảnh hưởng nghiêm trọng và thời gian điều trị cũng kéo dài gấp 2-3 lần so với trẻ sinh đủ tháng”, bác sỹ Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ nhiệm Khoa Sơ sinh cho biết.
 
Trẻ nhập viện nhiều vì rét đậm, rét hại - 1

Trẻ sơ sinh trong thời tiết giá lạnh có nguy cơ tử vong cao (ảnh: một bé sơ sinh đang nằm điều trị trong lồng kính ở Khoa Sơ sinh Bệnh viện Nhi TƯ)
Cũng theo bác sỹ Hà, không chỉ trẻ sơ sinh mà cả những trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, thời tiết rét đậm, rét hại cũng ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng vì sức đề kháng của trẻ rất kém. Vì thế, “trẻ cần được ở trong phòng thoáng nhưng phải kín, không có gió lùa. Nên có lò sưởi khi nhiệt độ phòng xuống quá thấp nhưng tránh lò sưởi bằng than vì than rất độc. Khi trẻ đái dầm thì phải thay áo quần ngay lập tức; không để trẻ nằm, ngồi chơi trên sàn gạch, đá hoa, gỗ, xi măng…”, bác sỹ Hà khuyên.
 

Thanh Hóa: Bệnh nhân không tăng vì ngại rét

 

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, mặc dù thời tiết rét đậm diễn ra trên địa bàn Thanh Hóa những ngày qua, nhưng tỷ lệ trẻ em và người già nhập viện tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, bệnh viện Nhi Thanh Hóa vẫn chưa có gì đột biến.

 

BS Hoàng Thị Kim Thanh, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, cho biết: “Dù thời tiết lạnh nhưng bệnh nhân nhập viện tuyến tỉnh ít. Bình thường, bệnh viện Nhi Thanh Hóa có khoảng 300 ca điều trị, nhưng hiện tại, bệnh viện chỉ có khoảng 180 ca điều trị các bệnh, thấp hơn so với bình thường, trong đó tỷ lệ bệnh nhi điều trị về các bệnh đường hô hấp không cao. Chủ yếu bệnh nhân khám ở các tuyến huyện là chính”.

 

BS Thanh lý giải rằng sau những đợt thời tiết quá nóng, hoặc quá lạnh thì tại bệnh viện Nhi Thanh Hóa mới tập trung đông bệnh nhân. Bởi người nhà bệnh nhân ngại đi lại do xa nên chủ yếu đưa con em đến các cơ sở y tế tuyến huyện để điều trị. Nhiều bậc phụ huynh thường để liều đến khi bệnh nặng mới đưa đến bệnh viện Nhi để điều trị. Hơn nữa nhận thức của các bậc phụ huynh và người dân về sức khỏe đã được nâng lên nên việc đảm bảo đủ ấm cho người già và trẻ em trong mùa đông được quan tâm nên tình trạng liên quan đến các bệnh về đường hô hấp cũng không tăng đột biến như các năm trước.

 

Theo khuyến cáo của các bác sỹ thì các bậc phụ huynh nên để ý theo dõi tình hình sức khỏe của con trẻ để kịp thời khám và chữa bệnh. Không nên để bệnh quá nặng mới đưa đến các cơ sở y tế.

 

Trẻ nhập viện nhiều vì rét đậm, rét hại - 2

Một bệnh nhi đang được điều trị tại viện Nhi Thanh Hóa
Để chuẩn bị đối phó với tình hình thời tiết giá rét trong mùa đông năm nay, thực hiện chỉ thị của Sở y tế Thanh Hóa, từ đầu tháng 12/2010, Bệnh viện đã triển khai cấp chăn ấm, đệm cho các khoa nhằm phục vụ cho bệnh nhân điều trị tại bệnh viện.

 

Còn theo bác sỹ Trần Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo người dân nên hạn chế uống rượu và các chất kích thích trong thời gian này; thường xuyên đo huyết áp, kiểm tra tim mạch cho người già để phòng tránh các bệnh đột quỵ. Nếu có vấn đề gì cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được tu vấn và khám chữa kịp thời.

 
BS Phan Trường Tuệ, Khoa Hồi sức cấp cứu Viện bỏng quốc gia, Hà Nội cho biết, thời tiết lạnh cũng dẫn đến nguy cơ trẻ nhỏ, người già bị bỏng do sử dụng các phương pháp sưởi ấm không đúng cách.
 
Hiện hoa Hồi sức cấp cứu có khá nhiều bệnh nhân phải nhập viện do bị bỏng nước sôi từ túi sưởi, hoặc bỏng lửa do ngồi sưởi ấm bên bếp rơm, bếp củi hay tắm nước quá nóng.
 
Những trường hợp bị bỏng trong thời tiết giá lạnh khó điều trị hơn vì cơ thể bị mất nhiệt, vì vậy mọi người cần đảm bảo quy trình an toàn khi dùng các phương pháp sưởi ấm.
 
Thế Nam - Duy Tuyên