Trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở Đà Nẵng tăng cao

Khánh Hồng

(Dân trí) - Chỉ trong tháng 3 và những ngày đầu tháng 4, Bệnh viện Phụ sản Nhi - Đà Nẵng đã tiếp nhận điều trị 384 trường hợp tay chân miệng. Trong khi đó, năm 2020, thành phố chỉ có 90 trường hợp tay chân miệng.

Ngày 8/4, bác sĩ Nguyễn Hải Thịnh, Trưởng Khoa Y học nhiệt đới (Bệnh viện Đà Nẵng) cho biết, bắt đầu từ tháng 3 đến nay, trẻ nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng tăng cao.

Cụ thể, tháng 3, bệnh viện tiếp nhận điều trị 275 ca, từ đầu tháng 4 đến nay là 109 ca. Trong khi đó, cả năm 2020, toàn thành phố chỉ ghi nhận hơn 90 trường hợp mắc tay chân miệng.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở Đà Nẵng tăng cao - 1

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng đang điều trị tại Bệnh viện Phụ sản Nhi - Đà Nẵng. 

Theo bác sĩ Thịnh, hiện khoa đang điều trị cho 40 trường hợp tay chân miệng, bình quân mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận 10-20 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng.

Các ca bệnh tay chân miệng được chuyển từ Quảng Nam, Quảng Ngãi chuyển ra và trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Bác sĩ Thịnh cũng cho biết, so với các năm, năm nay tỷ lệ bệnh nặng nhiều hơn. Trong số các bệnh nhân nhập viện điều trị, có 7-8 trường hợp nặng, cần can thiệp chuyên sâu. Hiện các ca bệnh nặng đã phục hồi và xuất viện, không để lại di chứng.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở Đà Nẵng tăng cao - 2

So với năm ngoái, năm nay số trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng cao. 

Tay chân tay miệng là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Bệnh thường gặp trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bởi vì trong giai đoạn này, hệ miễn dịch của trẻ còn khá yếu nên dễ dàng bị nhiễm các virus gây bệnh. Tuy nhiên trên thực tế, những trẻ lớn hơn và ngay cả người trưởng thành cũng có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng. Theo như chu kỳ hàng năm, số ca mắc tay chân miệng thường đạt đỉnh đợt thứ nhất vào khoảng từ tháng 3 đến tháng 5, đợt thứ hai vào tháng 9 đến tháng 12.

Bác sĩ Thịnh khuyến cáo với phụ huynh cần theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của con em khi có các triệu chứng như sốt, xuất hiện các tổn thương ở da như dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối… lập tức đưa ngay các cháu đến các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, các bậc phụ huynh cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh, đặc biệt là sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo dinh dưỡng, ăn chín uống sôi, sử dụng nước sạch, không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm-mút đồ chơi, dùng chung khăn ăn hoặc vật dụng ăn uống. Các nhà trẻ mẫu giáo, nơi trông trẻ cần thường xuyên lau sạch bề mặt vật dụng như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, cầu thang, bàn ghế, sàn nhà… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.