1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bước vào cuộc chiến với tay chân miệng, nhiều trẻ bị biến chứng thần kinh

Vân Sơn

(Dân trí) - Số trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng vọt, nhiều bé bị biến chứng thần kinh đe dọa nguy hiểm tính mạng. Phòng bệnh cho trẻ khi đến trường và ở nhà là giải pháp tối ưu trong cuộc chiến với dịch bệnh.

Nhiều trẻ bị biến chứng thần kinh

Sau khi đón con ở trường về nhà, chị H.P. nhận thấy bé có biểu hiện mệt, biếng ăn, sốt nhẹ. Tối cùng ngày, chị theo dõi tình trạng của con thì phát hiện bé hay bị giật mình chới với khi ngủ. Kiểm tra lòng bàn tay và lòng bàn chân của con, người mẹ ghi nhận có biểu hiện nổi mẩn đỏ, đầu gối và khủy tay có bóng nước. Một ngày sau, bóng nước tiếp tục nổi trong miệng khiến bé bỏ ăn, biếng uống. Đưa con đến bệnh viện thăm khám các bác sĩ yêu cầu nhập viện gấp vì bệnh tay chân miệng có nguy cơ biến chứng nặng.

Bước vào cuộc chiến với tay chân miệng, nhiều trẻ bị biến chứng thần kinh - 1
Bệnh nhi điều trị tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM.

BS Phạm Thái Sơn, Phó khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM cho biết: "Đây là trường hợp bệnh tay chân miệng độ 3 dẫn tới các biến chứng tim mạch, tuần hoàn, hô hấp, tăng huyết áp. Bệnh nhi đang được theo dõi sát và điều trị tích cực theo phác đồ. Chúng tôi hy vọng các biến chứng thần kinh ở bệnh nhi sẽ từng bước hồi phục sau 2 đến 4 tuần điều trị. Tuy nhiên, nếu bệnh không thuyên giảm, biến chứng nặng hơn suy hô hấp, tuần hoàn thì bệnh nhi sẽ phải thở máy, lọc máu liên tục.

Trong 2 tuần gần đây, tại các bệnh viện Nhi Đồng trên địa bàn TPHCM số trẻ mắc bệnh tay chân miệng phải nhập viện điều trị nội trú đã tăng vọt. Thống kê sơ bộ tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 2, tuần cuối tháng 3 ghi nhận khoảng 10 trường hợp nằm viện thì đến nay đã tăng lên gần 30 ca. Trẻ đến trường đi học và điều kiện thời tiết thuận lợi cho virus phát triển đang tạo đà cho bệnh tay chân miệng gia tăng.

Bước vào cuộc chiến với tay chân miệng, nhiều trẻ bị biến chứng thần kinh - 2
Bệnh tay chân miệng đang gia tăng nhanh khiến nhiều trẻ bị biến chứng thần kinh.

Tình trạng tương tự cũng đang xảy ra tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Số ca bệnh đang nằm viện điều trị mỗi ngày khoảng 40 trường hợp. Đáng lưu ý, khá nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nặng ở độ 2B và độ 3. Trước đây phải 30 đến 40 ca thì mới có một trẻ bị nặng đa số là trẻ dưới 3 tuổi nhưng hiện nay 40 trẻ thì có 7 trẻ bị nặng, trong đó có nhiều bé trên 3 tuổi.  

Chủ động phòng ngừa, giải pháp hiệu quả bảo vệ trẻ

Theo phân tích của BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm nhưng sẽ tăng cao vào quý 2 và quý 4 của năm. Hiện mới là đầu tháng 4 nhưng đã ghi nhận sự gia tăng nhanh của bệnh, điều đó cho thấy dấu hiệu cảnh báo về một chu kỳ có nhiều diễn biến phức tạp.

Bước vào cuộc chiến với tay chân miệng, nhiều trẻ bị biến chứng thần kinh - 3
Trẻ mắc tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM.

Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nặng có thể xuất phát từ các nguyên nhân như, phụ huynh thấy con bị bệnh nặng mới đưa đến bệnh viện hoặc đợt cách ly Covid-19 vừa qua đã khiến khả năng miễn dịch cộng đồng với tay chân miệng của bệnh nhi giảm xuống, nhóm trẻ dưới 3 tuổi năm vừa qua chưa bị tay chân miệng, nay gặp tác nhân gây bệnh thì bị nhiễm và diễn tiến nặng.

Cùng quan điểm trên, BS Thái Sơn nhấn mạnh: "Điều đáng lưu tâm là trong thời gian gần đây ghi nhận nhiều bệnh nhi bị biến chứng thần kinh do tay chân miệng gây ra với các biểu hiện bệnh khá đa dạng. Những năm trước trẻ bị biến chứng thần kinh chỉ giật mình, chới với đến năm nay, những biểu hiện thần kinh nổi bật hơn với tình trạng rối loạn thần kinh tự chủ như bí tiểu. Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, bệnh dễ rơi vào biến chứng nguy hiểm".

Bước vào cuộc chiến với tay chân miệng, nhiều trẻ bị biến chứng thần kinh - 4
Phụ huynh và nhà trường cần chú ý bảo vệ sức khỏe cho trẻ trong tình hình bệnh tay chân miệng tăng cao.

Do đó, phụ huynh và các điểm giữ trẻ cần phải chủ động vệ sinh hàng ngày, khử khuẩn hàng tuần quanh khu vực trẻ sinh sống vui chơi, theo dõi và phát hiện triệu chứng bệnh, tổ chức phòng ngừa cho trẻ, đặc biệt là ở nhóm trẻ gia đình, nhà trẻ và các gia đình có trẻ nhỏ. Nếu phát hiện ca bệnh ở bất kỳ điểm nào, cần chủ động cách ly, vệ sinh khử khuẩn để tránh nguy cơ lây lan của bệnh. Nếu không chủ động phòng ngừa, bệnh sẽ gia tăng và bùng phát trên diện rộng gây nguy hiểm cho trẻ trong thời gian tới.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm