Trẻ đau họng có cần uống kháng sinh?

Hồng Hải

(Dân trí) - Con tôi 10 tuổi, bé kêu đau họng, nuốt nước bọt cũng đau. Với tình trạng này, tôi có nên cho con uống kháng sinh cho nhanh khỏi (Lam Phương, Phú Thọ).

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) trả lời:

Các bệnh hô hấp, trong đó có viêm họng rất phổ biến. Khi mới có triệu chứng, nhiều người vội dùng kháng sinh ngay, điều này là không nên.

Nhất là với viêm họng ở trẻ em có đến 70-80% là do virus gây ra, số còn lại là do liên cầu (vi khuẩn). Điều này có nghĩa, cứ 10 trẻ viêm họng thì 7-8 trường hợp không phải dùng kháng sinh, vì kháng sinh không tiêu diệt được virus. Lúc này, bệnh nhân chỉ cần điều trị triệu chứng.

Trẻ đau họng có cần uống kháng sinh? - 1

Một trường hợp bội nhiễm viêm phổi do nhiễm khuẩn điều trị tại bệnh viện (Ảnh: L. Hiếu)

Điều trị triệu chứng khi trẻ viêm họng gồm: Trẻ ho thì cho dùng thuốc ho, sốt thì cho uống hạ sốt, thuốc long đờm; nghẹt, sổ mũi thì dùng nước muối biển, thuốc làm co mạch hoặc kháng histamin.

Trên thế giới, phác đồ điều trị ho, viêm họng do virus cũng không dùng kháng sinh. Vì thế, đừng vội dùng kháng sinh cho trẻ ngay khi bắt đầu có triệu chứng, điều đó là không cần thiết.

Cụ thể, khi trẻ bị viêm đường hô hấp, viêm họng do virus, trẻ thường có biểu hiện viêm kết mạc, chảy mũi, ho, tiêu chảy, ban dạng virus. Lúc này, bố mẹ hãy bình tĩnh theo dõi con tại nhà (hoặc đi khám nếu bố mẹ thấy không yên tâm) vệ sinh mắt, mũi bằng nước muối sinh lý, muối biển, vệ sinh sạch răng miệng, cho trẻ súc miệng bằng nước muối, ăn đồ loãng, uống nhiều nước ấm để hỗ trợ làm loãng dịch đờm dãi.

Nếu trẻ sốt trên 38.5 độ hãy dùng thuốc hạ sốt paracetamol theo cân nặng. Nếu trẻ ho nhiều, nên đi khám để được hướng dẫn dùng loại thuốc ho phù hợp.

Còn khi bệnh nhân có sốt trên 38,5 độ C, sưng đau hạch cổ, đau đầu, nốt xuất huyết ở vòm, đau bụng, chất xuất tiết ở họng, amidan cho thấy khả năng lớn bệnh nhi viêm họng do liên cầu tan huyết beta nhóm A. Lúc này trẻ sẽ phải sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn.

Bệnh nhân cần được đi khám để bác sĩ chỉ định thuốc phù hợp. Tuyệt đối không dùng kháng sinh nửa vời, sau 2 - 3 ngày dùng thuốc thấy trẻ hết sốt, hết ho, ăn được lại nghĩ "trộm vía con khỏi" mà dùng thuốc.

Bởi kháng sinh đang làm vi khuẩn yếu đi, không có sức phản kháng để gây các triệu chứng ồ ạt như ban đầu. Nhưng vi khuẩn mới chỉ yếu mà chưa chết hẳn.

Lúc này nếu dừng thuốc, vi khuẩn không bị tiêu diệt, dần khỏe lại, sống lại và dần có sức đề kháng với chính loại kháng sinh đang uống, từ đó gây nên tình trạng kháng thuốc rất nguy hiểm, bị nhiễm bệnh lần sau loại kháng sinh đó sẽ không còn tiêu diệt được vi khuẩn.

Khi mới bắt đầu có triệu chứng đau rát họng, nên súc miệng nước muối ấm, uống nước ấm, ăn cháo loãng ấm sẽ giảm đau và tiếp tục theo dõi triệu chứng, cho trẻ đi khám nếu thấy không yên tâm để được hướng dẫn sử dụng thuốc ho, hạ sốt một cách hợp lý.