Trẻ bị ho có nên uống thuốc kháng sinh, khi nào cần nhập viện?

Nam Phương

(Dân trí) - Mỗi khi thay đổi thời tiết, nhiều cha mẹ lại đau đầu khi thấy con ho, sốt, sổ mũi. Sợ con bị biến chứng viêm phổi, nhiều bà mẹ thậm chí "táng" luôn kháng sinh cho con để dự phòng.

Ho ở trẻ là phản xạ có lợi vì làm sạch đường thở, làm long đờm nhầy ra khỏi niêm mạc của trẻ. Ngoài ra, ho cũng là triệu chứng của một số bệnh lý về hô hấp, tim mạch (suy tim trái), tiêu hóa (do trào ngược dạ dày thực quản), tác dụng phụ của thuốc, tâm lý…

Do đó việc tìm nguyên nhân của ho quan trọng hơn là việc tìm mọi cách cắt đứt cơn ho. 

Trẻ bị ho có nên uống thuốc kháng sinh, khi nào cần nhập viện? - 1

Ho ở trẻ em là phản xạ có lợi (Ảnh minh họa: ChildrenClorado).

Ho khan và ho có đờm là như thế nào? 

Ho khan là ho không có đờm do viêm mũi họng, viêm amidan, viêm tai giữa, nhiễm siêu vi hay trẻ hít phải tác nhân gây kích ứng (khói thuốc lá, phấn hoa, mùi khó chịu…). 

Ho có đờm là khi ho có tiết nhiều đờm đặc hoặc loãng do viêm tiểu phế quản, viêm phế quản, viêm phổi, lao phổi, hen suyễn.

Ho ở trẻ em khi nào cần lo?

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cũng lưu ý, cha mẹ không nên tự ý cho trẻ uống kháng sinh khi thấy con bị ho. Ho ở trẻ là nhóm bệnh hay bị lạm dụng kháng sinh trong điều trị nhiều nhất.

Viêm mũi họng cấp hoặc nhiễm khuẩn hô hấp trên là bệnh hay gặp ở trẻ, với hai biểu hiện chính là ho và sốt. Bệnh hay xảy ra lúc chuyển mùa, lúc này khí hậu nóng - ẩm, chênh lệch nhiệt độ sáng chiều quá lớn, mật độ virus nhiều, cơ thể trẻ không thích nghi kịp.

Nguyên nhân gây bệnh thường do virus, trong đó chủ yếu là adenovirus, cúm A và B, rhinovirus... Kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng với virus, vì thế trong trường hợp này không nên dùng kháng sinh. 

Trẻ bị ho có nên uống thuốc kháng sinh, khi nào cần nhập viện? - 2

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Hồng Hải).

Theo PGS Dũng, cha mẹ cũng cần lưu ý, giống như sổ mũi hay sốt, ho cũng là triệu chứng có lợi của cơ thể. Ho nhiều là phản xạ khạc nhổ các dịch chất tiết (đờm), chất nhầy từ mũi xuống họng, nếu trẻ ho được thì lại nhanh khỏi bệnh.

"Nhưng cái gì quá cũng không được, ho quá nhiều khiến trẻ mệt, không ăn uống được. Vì thế, cha mẹ chỉ chữa khi các triệu chứng nhiều lên, như ho quá nhiều, đặc biệt là nôn sau ho, có thể uống thuốc giảm ho... Có thể nói chữa ho do viêm đường hô hấp trên là chữa triệu chứng, có mạnh lên thì mới dùng thuốc", PGS Dũng nói.

Theo bác sĩ, nếu trẻ ho, sốt, sổ mũi mà vẫn ăn, chơi bình thường thì cha mẹ không cần quá lo lắng. Triệu chứng ho kéo dài dù đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau thì cha mẹ nên đưa con đi khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và điều trị kịp thời.

Ngoài ra, trẻ càng nhỏ thì khi mắc bệnh càng dễ chuyển nặng. Không những thế, biểu hiện bệnh ở các bé sơ sinh thường không rầm rộ, điển hình nên dễ bị bỏ sót. Vì thế, cha mẹ khi thấy bé ăn uống kém, bỏ bữa, ăn ít, sốt không rõ ràng, hay nôn trớ, giấc ngủ không ngon thì có thể trẻ đang bị bệnh, cần đưa đi khám.

Theo bác sĩ khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang, nếu trẻ có một trong những dấu hiệu sau đây chúng ta nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám:

 - Trẻ nhỏ đặc biệt trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng.

- Thở nhanh, khó thở hoặc xanh tái trong cơn ho.

- Ho Kèm theo triệu chứng khác như sốt cao, nôn... hoặc khò khè, thở rít, khàn tiếng...

- Ho không tự thuyên giảm sau 14 ngày, sau đợt viêm hô hấp trên do virus. 

- Ho nhiều, gây nôn, ảnh hưởng đến giấc ngủ, ăn uống, sinh hoạt vui chơi, phát triển thể chất của trẻ.

- Trẻ lừ đừ, bỏ ăn, uống, tiểu ít, trông mệt.

- Ho khởi phát sau khi trẻ sặc thức ăn, nước mặc dù trước đó đã lâu.

- Ho kèm đờm có lẫn máu, vàng đặc, xanh lá.

- Bất kỳ khi nào cha mẹ lo lắng. 

  • Từ khoá:
  • ho

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm