Trẻ chảy dãi nhiều có bất thường?
(Dân trí) - Con tôi chảy dãi rất nhiều, nhiều hơn tất cả những đứa trẻ cùng khu. Mỗi ngày tôi thường xuyên phải thay cho bé trên 10 cái yếm dãi nhưng vẫn ướt sũng.
Không chỉ đến khi mọc răng (7 tháng) mà từ khi mới sinh, bé đã chảy dãi. Nhất là từ tháng thứ 4, hiện tượng này càng nhiều hơn. Nay cháu đã 10 tháng nhưng hiện tượng này không hề giảm đi. Cháu chảy dãi nhiều như vậy có phải là bệnh lý gì không thưa bác sĩ? Có thuốc nào giảm được tình trạng này không? Hà Linh (CT2A, khu Văn Quán, Hà Đông, Hà Tây)
Chảy dãi là một hiện tượng rất hay gặp ở trẻ em. Đó là một hiện tượng bình thường, vì thế, chị không nên quá lo lắng.
Ở một số trẻ, tuyến nước bọt hoạt động nhiều nên có hiện tượng tăng tiết nước bọt, trẻ hay chảy nước dãi. Không chỉ chảy dãi nhiều khi thức, mà khi ngủ và ban đêm, dãi vẫn có thể chảy.
Hiện tượng này thường mất đi khi trẻ đã lớn. Có một số ít trẻ khi lớn vẫn tiếp tục có hiện tượng tăng tuyến nước bọt. Đây là biểu hiện của bệnh lý nội khoa, thường do rối loạn ở các tuyến, có liên quan đến yếu tố thần kinh, khi ấy cần phải khám và điều trị ở các chuyên khoa Tai Mũi Họng, Nội tiết, Tiêu Hoá.
Con chị giờ mới 10 tháng tuổi, còn rất nhỏ nên chị không có vấn đề gì phải lo lắng, khi lớn thường sẽ hết.
Hơn nữa, thường những trẻ có hiện tượng tăng tuyến nước bọt lại thường dễ nuôi, không khó ăn, vì vậy tăng cân tốt. Do trong nước bọ có chứa Amylase, là Enzym thủy phân tinh bột, một khâu quan trọng trong quá trình tiêu hoá, giúp việc tiêu hoá thức ăn dễ dàng hơn.