Trẻ bị tật từ... smartphone?

Bé trai có hiện tượng giật vùng mắt, cơ hàm, phụ huynh nghi ngờ hội chứng TIC nhưng bác sĩ đưa ra nhiều nhóm nguyên nhân.

Bạn đọc H.C. (hachuye…@gmail.com) hỏi: Con tôi có biểu hiện hay nháy mắt, giật cơ hàm. Tôi tìm hiểu qua mạng, nghi ngờ bé mắc hội chứng TIC. Tôi mong được tư vấn thêm. Tôi nên cho bé đi khám ở bệnh viện, chuyên khoa nào?

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP HCM), trả lời:

Điều đầu tiên bạn cần làm là quan sát và nhớ lại tình trạng máy giật vùng mắt, cơ hàm xảy ra có thường xuyên hay không, lâu chưa? Ngoài ra, cháu có thường xuyên chơi game hay sử dụng smartphone, máy tính bảng… quá thường xuyên hay không?

Nếu cháu thường xuyên chơi game và tình trạng máy giật mắt, cơ hàm mới xảy ra thời gian gần đây, có thể do dạo này cháu chơi game nhiều, dẫn đến hiện tượng căng mắt, mỏi cơ, sinh ra máy giật. Trong trường hợp này, tình trạng máy, giật sẽ tự khỏi khi bạn giảm bớt thời gian sử dụng thiết bị công nghệ của trẻ.

Nên khéo léo giúp trẻ rời xa chiếc smartphone hay máy tính bảng. Nếu cháu đã thuộc dạng "nghiện", mỗi ngày chơi nhiều giờ, khóc la, tỏ ra hung bạo khi bị lấy mất thiết bị, thì nên giảm từ từ. Trẻ chưa nghiện thì chỉ cần vài ngày là từ bỏ được chiếc smartphone nếu bạn làm đúng cách, trẻ nghiện thiết bị công nghệ rồi thì có thể mất nhiều tuần: ví dụ trước đây mỗi ngày chơi 2 giờ, cố giảm dần trong 1 ngày xuống còn 1 giờ, tuần sau giảm nhiều hơn nữa. Không cần "cai smartphone" hoàn toàn nhưng ở tuổi con bạn, hạn chế càng nhiều càng tốt.

Để làm được điều này, bạn phải cho bé các phương án thay thế món đồ chơi công nghệ: đó có thể là đồ chơi bình thường, đồ chơi phát triển trí tuệ, hoặc hay hơn là một môn thể thao, giờ chơi ngoài trời.

Trong trường hợp nói trên, thông thường sau một thời gian tình trạng máy giật mắt, cơ hàm sẽ từ từ giảm và hết.

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như: động kinh, tật khúc xạ, vấn đề tâm lý, thiếu dinh dưỡng. Trẻ động kinh và bị tật khúc xạ thì tất nhiên cần được đưa đến bác sĩ khám sớm. Còn nguyên nhân tâm lý ở đây thường là trẻ có người bạn nào đó có tật máy giật mắt này, trẻ bắt chước theo, bạn nên tìm hiểu và nhắc nhở trẻ. Thiếu dinh dưỡng thường là thiếu các yếu tố vi lượng như canxi, ma-giê, bạn nên xem lại chế độ ăn uống của bé.

Trong các trường hợp chơi game nhiều, bắt chước bạn, thiếu vi chất, bạn có thể thử tự điều chỉnh và xem tình trạng máy, giật có giảm đi và dần khỏi không. Nếu thấy mình đã điều chỉnh rồi mà tình trạng máy, giật không thuyên giảm, kéo dài hoặc nặng thêm, bạn nên đưa bé đến các bệnh viện chuyên khoa nhi để được thăm khám. Tùy vào kết quả kiểm tra ban đầu, các bác sĩ sẽ xác định xem bé bị bệnh gì, do nguyên nhân gì để có hướng điều trị phù hợp.

Theo Anh Thư

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm