Trẻ béo phì Việt Nam sẽ đối mặt với tương lai bệnh tật

(Dân trí) - Béo phì là nguyên nhân dẫn tới nhiều loại bệnh nguy hiểm cướp đi sự sống bệnh nhân. Trong bối cảnh tỷ lệ trẻ bị béo phì đang tăng vọt ở Việt Nam, chuyên gia y tế nước ngoài cảnh báo thế hệ này sẽ đối mặt với thảm họa bệnh tật nếu không sớm ngăn chặn.

Nhận định về những nguy cơ gây ra bệnh tật cho người Việt Nam trong một diễn đàn về sức khỏe tổ chức tại TPHCM tuần qua, BS Pedro L. Trigo (đến từ Argentina) cho hay: “Các món ăn truyền thống của người Việt Nam vốn rất lành mạnh bởi khẩu phần ăn có nhiều thực vật, thủy sản, ít thịt khiến cộng đồng giảm được nguy cơ bệnh tật. Tuy nhiên, sự thay đổi thói quen ăn uống đã diễn ra rất nhanh từ khi có sự xuất hiện của các loại thức ăn nhanh sử dụng nhiều chất béo, nước uống có đường đã khiến tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng rất nhanh”.

Béo phì là căn nguyên dẫn tới những loại bệnh nguy hiểm cho trẻ trong tương lai
Béo phì là căn nguyên dẫn tới những loại bệnh nguy hiểm cho trẻ trong tương lai

Mặc dù điều xấu nhất vẫn chưa xảy ra nhưng có thể thấy bệnh béo phì ở trẻ em đang tăng vọt tại Việt Nam. Trẻ béo phì sẽ trở thành thiếu niên béo phì, sau đó trở thành người lớn béo phì. Tương lai sẽ bị tác động tiêu cực thông qua di truyền từ thế hệ này kèm theo chế độ ăn uống cũng như thói quen hút thuốc, sử dụng rượu bia sẽ truyền lại cho thế hệ tiếp theo. Nếu không có giải pháp ngăn chặn, thế hệ trẻ béo phì ở Việt Nam sẽ phải gánh chịu thảm họa bệnh tật trong tương lai không xa.

Số người béo phì thường tỷ lệ thuận với các loại bệnh như tiểu đường, tim mạch, huyết áp. Tại Việt Nam mặc dù dân số ở tuổi trưởng thành bị béo phì chưa ghi nhận nhiều nhưng tỷ lệ mắc tiểu đường ước tính đã chiếm tới 46,5% (độ tuổi từ 20 đến 79). BS Pedro L. Trigo nhấn mạnh: “Đây là tình trạng đáng báo động khi tỷ lệ mắc bệnh ở Việt Nam không chỉ cao hơn mà còn có tốc độ tăng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong khu vực. Căn bệnh này có chiều hướng gia tăng nhanh chóng, trong tương lai tình trạng này tác động tiêu cực đến sức khỏe, kinh tế xã hội của Việt Nam.”

Người mắc bệnh tiểu đường sẽ đối mặt với nguy cơ mạch máu sẽ bị tắc nghẽn. Tình trạng thiếu máu tưới do mạch máu bị tắc nghẽn cục bộ sẽ ảnh hưởng đến các dây thần kinh, gây viêm nhiễm thần kinh ngoại biên, vô hiệu hóa các chức năng của cơ thể. Nếu mạch máu tắc ở mắt sẽ khiến người bệnh bị mù lòa, tắc ở tim sẽ nhồi máu cơ tim, tắc ở não sẽ gây đột quỵ, tắc ở chân tay sẽ gây nhiễm trùng hoại tử phải đoạn chi.

Trẻ cần chế độ ăn hợp lý, tăng cường rau và thủy hải sản, giảm thịt và chất béo
Trẻ cần chế độ ăn hợp lý, tăng cường rau và thủy hải sản, giảm thịt và chất béo

Bên cạnh đó tiểu đường, những vấn nạn từ tỷ lệ người hút thuốc lá, sử dụng rượu bia quá nhiều, công nghiệp hóa, đô thị hóa gây ô nhiễm môi trường, con người ít vận động, thường xuyên thức khuya… là những nguyên nhân khiến cộng đồng đối mặt với những nhóm bệnh không lây khác như tim mạch, ung thư. Những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc đang gánh chịu hậu quả của bệnh tật khiến hệ thống y tế bị quá tải bởi những căn bệnh mạn tính không lây.

Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh bác sĩ khuyến cáo người dân Việt Nam cần thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý tăng cường thực vật, thủy sản trong bữa ăn, hạn chế sử dụng chất béo, nói không với những loại thức ăn nhanh cũng như thuốc lá, rượu bia, tăng cường vận động, thể dục thể thao thường xuyên.

“Chỉ cần vài phương pháp phòng bệnh đơn giản, chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi tương lai của bản thân cũng như của trẻ em Việt Nam”, BS Pedro L. Trigo nói.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm