1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trẻ 13 tuổi nguy kịch vì bạn dìm xuống nước

(Dân trí) - Sau 6 tiếng bị ngạt nước do bạn bè trêu đùa, dìm xuống nước, bé Nguyễn Đăng Đan (13 tuổi, Bắc Ninh) lịm đi, toàn thân tím tái, suy hô hấp… Bệnh nhi được xác định phù phổi cấp tổn thương, phổi của bé bị phá hủy do chất độc trong nước sặc vào phổi.

Ảnh chụp X-quang cho thấy phổi bệnh nhi đã bị tổn thương hoàn toàn (Ảnh: H.Hải)
Ảnh chụp X-quang cho thấy phổi bệnh nhi đã bị tổn thương hoàn toàn (Ảnh: H.Hải)
 

Sau 7 ngày được điều trị tích cực tại Khoa Nhi (BV Bạch Mai), cháu Nguyễn Đăng Đan đã qua cơn nguy kịch. Sáng 11/9, Đan đã có thể tự ngồi kể rành rọt về chuyện khiến Đan trải qua những ngày thập tử nhất sinh.

 

Chiều 4/9, Đan và các bạn rủ nhau ra mương chơi. Không biết bơi nên Đan chỉ dám đứng chỗ nông, nhưng một lúc sau, các bạn ùa đến, kéo Đan ra xa, dìm xuống nước… Đến khi thấy Đan chấp chới, các bạn không thể kéo lên được mới vội vàng kêu người đến cứu. Sau 5-10 phút được móc họng, nước trong miệng ọc ra, Đan tỉnh lại, tự đạp xe về nhà.

 

Tuy nhiên, 6 tiếng sau, Đan thấy mệt, sốt, ho và được cho uống thuốc nhưng càng lúc càng nguy kịch (người lạnh đi, tím tái, ho, khó thở…). Khi đưa đến Bệnh viện Đa khoa Kinh Bắc cấp cứu (cách nhà 20km), Đan đã rơi vào tình trạng hôn mê, người tím ngắt.

 

Ngay sau khi chiếu chụp cho thấy phổi bệnh nhi gần như mờ hoàn toàn, Đan được chuyển đến BV Bạch Mai trong đêm.

 

 
BS Dũng đang trao đổi với 2 bố con em Đan về sự nguy hiểm do đuối nước cạn (Ảnh: H.Hải)
BS Dũng đang trao đổi với 2 bố con em Đan về sự nguy hiểm do đuối nước cạn (Ảnh: H.Hải)
 
“Hình ảnh phim X-quang cho thấy bệnh nhi bị phù phổi cấp tổn thương sau đuối nước. Nguyên nhân là do nước mương sặc vào phổi, kèm theo các chất độc, bẩn gây phá hủy phổi. Nếu không đến kịp bệnh viện để xử lý, chỉ chừng 1 tiếng sau bệnh nhân chắc chắn sẽ chết vì suy hô hấp”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), cho biết.

 

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Hội chứng suy hô hấp phổi tiến triển rất nhanh, bệnh nhân sẽ nhanh chóng tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Hội chứng này còn gọi là hiện tượng “chết đuối trên cạn”, người bệnh thiếu oxy, nhanh chóng tử vong vì suy hô hấp”.

 

Sau 3 ngày thở máy, bệnh nhân đã được rút máy thở, ăn uống, đi lại bình thường, không để lại biến chứng gì cho cơ thể và sẽ được xuất viện sau 1-2 ngày nữa.

 

Các bác sĩ khuyến cáo, nếu đuối nước đặc biệt là ở hồ sao kênh rạch thì sau khi cấp cứu ban đầu kể cả bệnh nhân đã tỉnh lại, tự thở, dứt khoát vẫn phải đưa đến bệnh viện để kiểm tra. Bởi phù phổi cấp sau đuối nước rất nguy hiểm, thường xảy ra ngay sau đó vài giờ (khoảng 1/4-1/3 số người đuối nước có biến chứng phù phổi cấp sau khi tỉnh lại, phụ thuộc vào môi trường nước, ao hồ, thời gian đuối nước…) và cực kỳ nguy hiểm, có thể cướp đi sinh mạng người bệnh nhanh chóng vì thiếu ôxy trầm trọng.

 

Hồng Hải