1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Trẻ 1 tháng tuổi mắc giang mai bẩm sinh từ mẹ

(Dân trí) - Bé 1 tháng tuổi ở Yên Bái được gia đình đưa đến viện trong tình trạng nặng. Kết quả xét nghiệm của cả bé và mẹ đều dương tính với xoắn khuẩn giang mai.

Trẻ được bệnh viện huyện chuyển đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, Yên Bái. Theo bác sĩ Mai Hồng Tình, khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, bé C. 1 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng bệnh cảnh nặng nề. Trẻ bú kém, da xanh nhợt, khó thở, rút lõm lồng ngực, bụng chướng, tuần hoàn bàng hệ nổi rõ, gan, lách to và đặc biệt trẻ có vết trợt loét vùng mông, lòng bàn chân. 

Trẻ 1 tháng tuổi mắc giang mai bẩm sinh từ mẹ - 1

Tổn thương da do giang mai bẩm sinh ở bé C. Ảnh: BSCC.

Nghi ngờ trẻ mắc giang mai bẩm sinh, các bác sĩ tư vấn làm xét nghiệm, kết quả cả bé và mẹ đều dương tính với xoắn khuẩn giang mai.

Sau 1 tuần điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu và truyền máu, trẻ đã tiến triển tốt, bú được, da hồng hào, hết khó thở, bụng hết tuần hoàn bàng hệ, gan lách đã nhỏ lại. Trẻ sẽ được xuất viện trong những ngày tới.

Giang mai bẩm sinh là là bệnh xảy ra khi người mẹ mắc giang mai truyền bệnh cho con trong thai kỳ. Tùy mức độ nhiễm xoắn khuẩn giang mai từ người mẹ sang mà ảnh hưởng đến thai nhi. Nặng là sẩy thai, thai chết lưu, đẻ non, nhiễm khuẩn và trẻ có thể tử vong. Nhẹ hơn là trẻ sinh ra có vẻ bình thường sau dần xuất hiện tổn thương các cơ quan: mắt, tai, xương... nếu không được điều trị kịp thời. 

Bệnh giang mai lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn. Xoắn khuẩn thâm nhập qua da-niêm mạc của bộ phận sinh dục ít nhiều bị xây xát khi quan hệ tình dục sẽ gây bệnh tại chỗ, đi vào máu và lan tràn khắp cơ thể. Các yếu tố làm tăng nguy cơ lây lan là bị nhiễm HIV/AIDS, bị các bệnh gây thương tổn ở bộ phận sinh dục, có hành vi tình dục không bảo vệ (quan hệ tình dục miệng-sinh dục, quan hệ tình dục đồng giới,…).

Bệnh giang mai có thể lây do truyền máu (tiêm truyền máu hoặc tiêm chích ma túy mà bơm tiêm không khử khuẩn) và gián tiếp qua các đồ dùng, vật dụng bị nhiễm bẩn.

Nếu người mẹ có thai bị giang mai mà không được điều trị cũng có thể lây truyền cho thai nhi (giang mai bẩm sinh). Sự lây truyền bệnh giang mai từ mẹ sang thai nhi không xảy ra trong ba tháng đầu mang thai mà chỉ xảy ra từ tháng thứ 4, thứ 5 trở đi của thai kỳ. 

Thai nhi bị lây bệnh của mẹ khi còn nằm trong tử cung, nên khi đẻ ra đã mắc bệnh. Bệnh xuất hiện dưới nhiều hình thái khác nhau: giang mai bẩm sinh sớm (xuất hiện trong 2 năm đầu) và giang mai bẩm sinh muộn (xuất hiện khi bé trên 2 tuổi).

Bác sĩ Tình khuyến cáo để phòng ngừa giang mai bẩm sinh, cần lưu ý thực hiện tình dục an toàn, chung thủy một vợ, một chồng, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục không an toàn.

Phụ nữ mang thai nên xét nghiệm kiểm tra bệnh giang mai ở lần khám tiền sản đầu tiên tại các cơ sở y tế. Nếu thai phụ xét nghiệm dương tính với bệnh giang mai trong thai kỳ, sẽ được bác sĩ tư vấn và điều trị ngay. Trong quá trình điều trị, thai phụ được bác sĩ theo dõi chặt chẽ để điều trị hiệu quả, được hướng dẫn chăm sóc trước khi sinh, trong khi sinh, sau khi sinh để đảm bảo sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Hà An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm