Trầm cảm sau sinh và những lưu ý khi dùng thuốc chữa

Phụ nữ sau sinh con thường gặp một chứng bệnh đó là trầm cảm sau sinh. Khoảng 20% những bà mẹ mới sinh con có những dấu hiệu này. Những phụ nữ bị trầm cảm sau sinh cần được phát hiện sớm và tuân thủ dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

Trầm cảm sau sinh là một sự kết hợp giữa thay đổi về hành vi, cảm xúc, cơ thể xảy ra sau khi người phụ nữ sinh con, thường khởi phát sau sinh khoảng 4 tuần và những trường hợp nặng có thể có những triệu chứng loạn thần và hành vi nguy hiểm cho bản thân và cả con.

Trầm cảm sau sinh xuất phát từ đâu, biểu hiện như thế nào?

Nguyên nhân của trầm cảm sau sinh: Do thay đổi hormon trong cơ thể: Hai loại hormon estrogen và progesterone tăng gấp 10 lần trong quá trình mang thai, sau đó giảm đi nhanh chóng khi sinh con, sau ba ngày hormon này quay trở về mức bình thường như trước khi mang thai.

Do các yếu tố tâm lý- xã hội: Các yếu tố stress trong cuộc sống bao gồm: Vấn đề gánh nặng về tài chính khi sinh con, sự thay đổi công việc, sự mệt mỏi sau kỳ sinh nở, sự thiếu chuẩn bị kiến thức và kinh nghiệm chăm sóc con, không có sự trợ giúp của người thân...

Biểu hiện của trầm cảm sau sinh: Khó khăn về giấc ngủ (khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, ngủ hay mơ, thức dậy sớm, có khi là mất ngủ hoàn toàn), ăn không ngon miệng, chán ăn; mệt mỏi quá mức; cảm xúc buồn chán; bi quan về tương lai...

Trầm cảm sau sinh và những lưu ý khi dùng thuốc chữa - 1

Sau khi sinh người phụ nữ rất cần sự chia sẻ của người thân trong việc chăm sóc con.

Dùng thuốc nào?

Cần nhập viện những trường hợp nặng: Trầm cảm kèm theo triệu chứng loạn thần như hoang tưởng, ảo giác, ý tưởng hành vi tự sát, tự hủy hoại bản thân, gây nguy hiểm cho con và người xung quanh. Những triệu chứng bệnh ở mức độ nặng như mất ngủ hoàn toàn, không ăn được.

Các trường hợp trung bình và nhẹ có thể điều trị ngoại trú, tuy nhiên người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ việc dùng thuốc của bác sĩ điều trị, dùng đúng thuốc, đủ liều, đúng thời gian điều trị...

 

Các nhóm thuốc thường dùng: Có nhiều loại thuốc chống trầm cảm khác nhau và để được chỉ định thuốc chống trầm cảm người bệnh cần đi khám bác sĩ, không được tự ý mua thuốc.

Nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và noradrenaline (SNRIs) và nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin (SSRIs): Đây là hai loại phổ biến nhất điều trị tình trạng này.

Nhóm SNRIs làm tăng chất serotonin và noradrenalin trong não, là hai chất bị giảm đi khi người bệnh mắc chứng trầm cảm. Các thuốc thường dùng như desvenlafaxine, duloxetine, levomilnacipran và venlafaxine...

Nhóm SSRIs làm cảm xúc hết trầm buồn như fluoxetine, fluvoxamine, paroxetine và sertraline...

Tuy nhiên khi dùng cần lưu ý, các tác dụng phụ thường gặp của hai nhóm thuốc chống trầm cảm này là: Buồn nôn, mẩn đỏ, khô miệng, táo bón hoặc tiêu chảy, sút cân, vã mồ hôi, run tay chân, an thần, rối loạn tình dục, mất ngủ, đau đầu, choáng váng, lo âu và dễ kích động, có thể có ý nghĩ tự sát, đặc biệt trong những ngày đầu mới dùng. Vì vậy trong những ngày đầu dùng các thuốc này người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ và người nhà, nếu có bất kỳ dấu hiệu nào bất thường cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để được trợ giúp kịp thời.

Thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCAs) như amitriptylin, imipramin, nortriptylin... Đây là loại thuốc hiện còn ít dùng, thuốc cũng làm tăng serotonin ở trong não. Tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm ba vòng như: co giật, mất ngủ, lo âu, rối loạn nhịp tim, tăng huyết áp, nổi mẩn, buồn nôn và nôn, co thắt cơ vùng bụng, táo bón, khó tiểu tiện, tăng nhãn áp, chống chỉ định với bệnh nhân tăng nhãn áp, rối loạn chức năng tình dục.

Những điều cần lưu ý khi dùng thuốc: Hội chứng cai thuốc:  Thuốc chống trầm cảm là một loại thuốc không gây nghiện, không đòi hỏi phải tăng liều để đạt được hiệu quả điều trị và khi dừng thuốc người bệnh sẽ không gặp phải những biểu hiện như dấu hiệu cai thuốc, như dừng hút thuốc lá hay rượu. Tuy nhiên, có tỉ lệ khoảng 1/3 người bệnh sử dụng SSRIs và SNRIs có những biểu hiện như hội chứng cai sau khi dừng thuốc. Những biểu hiện này kéo dài từ 2 tuần đến 2 tháng sau khi ngừng thuốc như: lo lắng, hoa mắt, chóng mặt, ác mộng, có biểu hiện giống như cảm cúm, đau bụng. những biểu hiện này thường ở mức độ nhẹ. Vì vậy cần giảm liều thuốc từ từ để giảm những triệu chứng không mong muốn của hội chứng cai thuốc này.

Thời gian dùng thuốc: Những triệu chứng của bệnh thường được cải thiện tốt sau 3 tháng sử dụng thuốc và người bệnh nên tiếp tục dùng ít nhất là 6 tháng tiếp theo sau khi bệnh đã cải thiện tốt. Nếu dừng thuốc trước thời điểm 8 tháng những triệu chứng của bệnh có thể quay lại. Những trường hợp có một dấu hiệu quay trở lại của bệnh nên tiếp tục dùng thuốc ít nhất là 24 tháng.

Có một lượng nhỏ của một vài loại thuốc chống trầm cảm qua sữa mẹ, ví dụ như sertralin và nortriptyline. Ở trẻ sơ sinh vài tuần tuổi có thể chuyển hóa thuốc này ở gan, thận như người trưởng thành. Việc sử dụng thuốc chống trầm cảm và cho con bú còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Tình trạng sức khỏe của trẻ, trẻ có sinh non hay không, tình trạng sức khỏe của mẹ như thế nào và quan trọng nữa là bác sĩ chỉ định dùng loại thuốc nào. Vì vậy, để hạn chế tối đa những ảnh hưởng của thuốc tới em bé, người mẹ cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tránh tự ý dùng, tự ý thay đổi liều lượng, thời gian dùng thuốc...

Phòng bệnh ra sao?

Cần chuẩn bị sẵn những kiến thức về làm mẹ và những điều kiện kinh tế sẵn sàng cho việc tiếp nhận thành viên mới trong gia đình. Các thành viên trong gia đình cần phải trợ giúp bà mẹ mới sinh con trong việc chăm sóc trẻ để người mẹ có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe sau khi sinh; chia sẻ, giải quyết những vấn đề về tâm lý gặp phải với người mẹ, vai trò của người chồng rất quan trọng. Chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng, không được kiêng khem quá mức dẫn đến thiếu chất dinh dưỡng cho mẹ và con. Ngủ tốt để đảm bảo sức khỏe khi con ngủ mẹ cần phải tranh thủ ngủ...

Theo BS. Trịnh Thị Bích Huyền

Sức khỏe và Đời sống 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm