Vụ cháu bé sơ sinh chết vì tràng hoa quấn cổ:
Trách nhiệm của các bác sĩ đến đâu?
Anh Phạm Văn Khoa, bố của cháu bé sơ sinh đã <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2006/6/122380.vip">tử vong vì tràng hoa quấn cổ</a> ngày 7/6 tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho rằng cháu bé có thể vẫn còn sống nếu các y bác sĩ có trách nhiệm hơn và trình độ cao hơn.
Theo lời kể của anh Khoa, chị Mai Thị Thanh Hường vợ anh đã theo dõi thai nghén tại phòng khám sản phụ khoa 35 Vạn Bảo do bác sĩ Nguyễn Duy Ánh, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản, làm chủ. Chị đã được siêu âm nhiều lần ở đây (phần lớn là 2 chiều, trừ một lần siêu âm 3 chiều vào khoảng tháng thứ tư của thai kỳ) nhưng không phát hiện tràng hoa quấn cổ.
Ngày 5/6, khi khám cho chị Hường, bác sĩ ở đây dự đoán là sắp sinh nên khuyên vào Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để làm các xét nghiệm, nếu có điều kiện thì nhập viện chờ sinh vì chị Hường bị cao huyết áp và nhiễm độc thai nghén nhẹ.
Tại bệnh viện, chị Hường được siêu âm hai lần, đều không phát hiện thai nhi có dây rau quấn cổ. Sáng 6/6, sản phụ bắt đầu rỉ ối. Sáng 7/6, thấy nước ối ra nhiều nhưng cổ tử cung vẫn chưa mở, các bác sĩ bấm ối và cho truyền dịch để cổ tử cung mở nhanh hơn. Khoảng 16h30 khi bàn giao ca trực, sức khỏe của sản phụ và thai nhi vẫn tốt.
Đến 17h, cổ tử cung đã mở 10 phân, chị Hường đau dồn dập không chịu nổi, yêu cầu kiểm tra để cho sinh. Lúc này, các nữ hộ sinh đến đo tim thai thì thấy mất tim thai. Họ yêu cầu sản phụ rặn đẻ và làm một số động tác đè ép bụng để lôi em bé ra. Cháu bé bị ngạt nặng nên không cứu được, qua đời lúc 4h sáng ngày 8/6.
Các chuyên gia sản phụ khoa cho biết, hiện tượng tràng hoa quấn cổ có thể phát hiện bằng siêu âm. Tuy nhiên, ông Trần Văn Hinh, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, khẳng định không phải tất cả các trường hợp đều như vậy, nhiều khi không thể phân biệt giữa dây rau quấn cổ và nằm cạnh cổ. |
Anh Khoa cho biết, kể từ khoảng 14h chiều ngày 7/6, sau khi được chỉ định truyền chai dịch thứ hai, sản phụ không còn thấy mặt bác sĩ, chỉ có nữ hộ sinh ở gần. Chỉ sau khi sinh xong, bác sĩ mới tới. Theo gia đình bệnh nhân, với bệnh án cao huyết áp và nhiễm độc thai nghén, lẽ ra sản phụ cần được theo dõi chặt hơn. Và khi phát hiện thai suy, nếu bác sĩ có mặt để xử lý thì cháu bé có thể đã không chết. Anh Khoa cũng cho rằng nếu bác sĩ siêu âm có trình độ cao hơn thì đã phát hiện được hiện tượng dây rau quấn cổ và nguy cơ của cháu bé cũng sẽ giảm.
Trả lời thắc mắc này, bác sĩ Ánh cho rằng ngay cả bác sĩ có mặt lúc phát hiện thai suy cũng ít khả năng thay đổi được kết cục, vì lúc đó đứa bé đã lọt xuống thấp, việc chuẩn bị ca mổ còn mất nhiều thời gian hơn so với đẻ thường.
Trao đổi với chúng tôi, tiến sĩ Trần Văn Hinh, Phó giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương, khẳng định: Lúc đầu thai nhi đã lọt xuống thấp, cách xử lý an toàn nhất là cho đẻ đường dưới thật nhanh. Việc cắt tầng sinh môn có thể giúp đưa đứa trẻ ra trong khoảng 30 giây. Phẫu thuật lúc này dễ gây nguy hiểm cho thai nhi, lại cũng mất nhiều thời gian hơn trong khi bé đang ngạt, cần được ra ngoài càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, theo ông Hinh, việc phẫu thuật lại cần thiết nếu tình trạng thai suy được phát hiện sớm hơn. Tiến sĩ Hinh cũng cho biết, sản phụ huyết áp cao và nhiễm độc thai nghén nhẹ được xếp vào nhóm bệnh lý, cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ hơn so với những sản phụ khác.
Do đó, gia đình bệnh nhân cho rằng, trong tình huống ngày 7/6, cháu bé không phải là đã hết hy vọng cứu sống. Theo anh Khoa, nếu thai nhi được kiểm tra thường xuyên hơn thì tình trạng thai suy có thể sẽ được phát hiện sớm hơn để giải quyết kịp thời. Và nếu bác sĩ có mặt, việc xử lý cũng sẽ nhanh chóng và hiệu quả hơn so với các nữ hộ sinh, dù lúc đó thai nhi còn ở phía trên hay đã lọt thấp. Và em bé sẽ có cơ hội được cứu sống.
Anh Phạm Văn Khoa cho biết gia đình sẽ tiếp tục yêu cầu bệnh viện làm rõ trách nhiệm của kíp trực chiều 7/6; và nếu kết luận nhân viên nào đã có sai sót thì phải có mức kỷ luật thích đáng.
Theo H.H
Vnexpress