TPHCM yêu cầu tiêm vaccine ngay cho F0 vừa khỏi bệnh: Chuyên gia nói gì?
(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng, việc tiêm vaccine Covid-19 ngay cho F0 vừa khỏi bệnh cần được cân nhắc kỹ vì có thể gây nguy cơ viêm cơ tim, đông máu cao hơn.
Ngày 25/12, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM đã ký văn bản thông báo kết luận tại buổi họp trực tuyến về Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ .
Tiêm vaccine ngay cho F0 vừa khỏi bệnh
Cụ thể sau 15 ngày triển khai Chiến dịch, Sở Y tế đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, trong đó số liệu tử vong đang giảm dần.
Sau khi nghe Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) và các Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện, thành phố Thủ Đức báo cáo, cũng như ý kiến thảo luận của thành viên tham dự buổi họp, Ban Giám đốc Sở Y tế đã có nhiều chỉ đạo mới.
Thứ nhất, về cập nhật danh sách và quản lý sức khỏe người dân thuộc nhóm nguy cơ, Sở Y tế cho biết một số quận huyện còn chậm trong công tác triển khai cập nhật số liệu nhóm người nguy cơ. Do đó, Sở đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận, huyện chỉ đạo quyết liệt về việc nhập đầy đủ dữ liệu. Các địa phương nào có dữ liệu chưa đầy đủ phải bổ sung ngay các nội dung còn thiếu, đồng thời phân công tên người chịu trách nhiệm nhập liệu.
Về công tác tiêm vaccine, các quận huyện phải triển khai tiêm mũi 3 (gồm mũi bổ sung, mũi nhắc lại) và hoàn tất tiêm trong tháng 1/2022. Sở Y tế đề nghị các địa phương thực hiện đợt cao điểm tiêm vaccine mũi 3 cho đồng thời cả 2 đối thuộc nhóm nguy cơ và không nguy cơ, sau khi đủ thời gian 3 tháng sau mũi 2.
Đặc biệt, Sở lưu ý tất cả các trường hợp F0 vừa hoàn thành đợt điều trị thì tiến hành cho tiêm ngay, không chờ đủ thời gian 6 tháng sau nhiễm Covid-19.
Về công tác cấp phát thuốc kháng virus, tất cả các trường hợp F0 thuộc nhóm nguy cơ phải được uống gói thuốc C ngay trước khi đi cách ly và không cần phải có triệu chứng. Đối với F0 không thuộc nhóm nguy cơ, tiến hành cấp phát Molnupiravir khi có triệu chứng nhẹ.
Về công tác xét nghiệm, Sở Y tế đề nghị các quận huyện tăng tốc thực hiện công tác xét nghiệm, phấn đấu thực hiện xong công tác xét nghiệm đợt 1 vào ngày 26/12/2021 và sẽ xong đợt 2 vào ngày 2/1/2022.
Chuyên gia nói gì?
Trao đổi với PV Dân trí ngày 26/12 xoay quanh yêu cầu tiêm ngay cho F0 vừa khỏi bệnh của Sở Y tế TPHCM, PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, đa số các quốc gia đều chờ đợi một thời gian sau khi mắc bệnh mới tiêm vaccine. Như ở Singapore là 3 tháng, ở Anh là 3 tháng đối với trẻ em và ít nhất một tháng với người lớn.
Lý do là vì việc chờ đợi thêm một thời gian sau khi mắc bệnh mới tiêm sẽ giúp có kháng thể tốt hơn và có khả năng bảo vệ chống tái nhiễm tốt hơn, điều này đã được chứng minh trên số liệu điều trị.
Đặc biệt, tiêm cách thời gian cho F0 sau khi hết bệnh sẽ ít gây nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm như viêm cơ tim, đông máu. "Đó là lý do tại sao ở Anh người ta đợi đến một tháng sau khi nhiễm mới tiêm và ở trẻ em phải đợi đến 3 tháng" - chuyên gia phân tích.
Tuy nhiên tại Mỹ, do lượng vaccine dồi dào (đến độ có nhiều vaccine quá hạn) và phong trào e ngại vaccine, chống vaccine tăng mạnh, nên quốc gia này cho phép tiêm vaccine ngay với người vừa khỏi bệnh. PGS Dũng cho rằng, có lẽ cũng vì sợ người dân có tâm lí e ngại vaccine nên TPHCM muốn tiêm cho F0 mới khỏi bệnh.
Nghiên cứu đăng trên tạp chí JAMA của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cho thấy, người đã bị nhiễm trước 90 ngày sau khi tiêm có mức kháng thể tốt hơn so với người bị nhiễm trong vòng 90 ngày trước khi tiêm. Do đó theo PGS Dũng nếu đúng theo khoa học, F0 khỏi bệnh nên để cách thời gian từ 3-6 tháng sau để tiêm vaccine Covid-19.
Đồng quan điểm trên, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) cho biết, ông cảm thấy "khó hiểu" khi TPHCM yêu cầu tiêm vaccine ngay cho F0 khỏi bệnh.
"Nếu chưa tiêm hoặc mới tiêm một mũi thì có thể tiêm, nhưng cũng cần có khoảng cách. Còn bệnh nhân đã tiêm 2 mũi rồi mới mắc bệnh, còn kháng thể cao thì tiêm làm gì" - bác sĩ Khanh nói và cho rằng việc tiêm ngay cho F0 mới khỏi bệnh có thể gây lãng phí vaccine.
Bác sĩ Khanh cho rằng, dù có là F0 khỏi bệnh hay đối tượng khác thì trên nguyên tắc, mũi vaccine thứ 3 phải tiêm cách mũi 2 từ 3-6 tháng.