TPHCM: Thầy lang chữa xương khớp lộng hành

Từ bong gân, nhức mỏi, thoái hóa cột sống đến gãy cổ xương đùi, xẹp, nứt đốt sống… đều được “thầy” thoa thuốc, bó thuốc. Muốn được “thầy” trị bệnh phải chụp phim tại nhà “thầy”. Đó là cách khám chữa bệnh kỳ lạ của gia đình ông Trần Sưởng Lâm (Quốc Lâm), ngụ tại Q.11, TPHCM.

  

Ông Lâm đang khám cho một bệnh nhân

Ông Lâm đang khám cho một bệnh nhân

 

Bệnh nào cũng chụp phim, bó thuốc

 

Ông Lâm có đến ba cơ sở hành nghề ở số 179, 302 và 308 đường Đỗ Ngọc Thạnh, P.4, Q.11. Theo thông tin trên danh thiếp mà ông Lâm gửi cho chúng tôi thì ông chuyên điều trị: ngoại khoa xương, chấn thương, gãy xương, trật khớp, phong thấp, xương gai, thoát vị đĩa đệm.

 

4h chiều 30/10, chúng tôi tìm đến nhà “thầy” tại số 302 đường Đỗ Ngọc Thạnh. Nơi khám bệnh này không có bất cứ bảng hiệu nào, ngoại trừ vài bệnh nhân (BN) đang ngồi chờ. Phía trước quầy khám bệnh có ba BN đang bó thuốc ở chân. Anh Hải (37 tuổi) khai bệnh cho thầy... chẩn đoán từ xa: “Bà ngoại con ở nhà già yếu nên không đi được.

 

Bác sĩ ở bệnh viện chẩn đoán bà có ba đốt sống bị tổn thương; trong đó có một đốt bị nứt, một đốt bị xẹp”. Ngay lập tức, ông Lâm lấy một bao ni lông màu xanh gần đó giả làm thuốc để chỉ cho anh Hải cách bó thuốc để điều trị đốt sống cho “con bệnh”. Lấy ba thang thuốc được gói sẵn trong giấy báo đưa cho anh Hải với giá 1,8 triệu đồng, ông Lâm dặn: “Một thang thuốc sử dụng đúng bốn ngày, ngày bó hai lần vào buổi sáng và chiều. Mỗi lần bó để thuốc ngấm một giờ. Thời gian đầu điều trị sẽ bó ba thang trong 12 ngày, sau đó ngưng thuốc 30 ngày lại tiếp tục hai thang (tám ngày) sẽ kết thúc liệu trình”.

 

Nhiều bệnh nhân đang bó thuốc tại nhà ông Lâm

Nhiều bệnh nhân đang bó thuốc tại nhà ông Lâm

 

Đến lượt chúng tôi, ông Lâm hỏi “Bị sao?” - “Dạ nhức mỏi đầu gối” - “Vậy đi chụp phim lẹ đi, không hết giờ! Chụp gần đây thôi”. Dứt tiếng, ông Lâm gọi vọng ra phía sau nhà: “Tuấn ơi, dẫn khách đi chụp phim”. Một cậu bé chạy lên dẫn chúng tôi qua nhà số 93 đường Tân Khai (Q.11), cách phòng mạch của “thầy” 20m để chụp phim với giá 135.000đ. Cầm phim lên, “thầy” cho biết, tôi bị nhức mỏi thông thường nên chỉ cần bôi thuốc, giá 35.000 đồng/chai. Chai thuốc này màu sậm, hoàn toàn không có nhãn hiệu, tên thuốc, thành phần thuốc…

 

10h sáng 31/10, chúng tôi tiếp tục đến nhà “thầy”. Lúc này, người khám bệnh tại ngôi nhà số 302 không phải là ông Lâm mà là một thanh niên khoảng 20 tuổi, tự giới thiệu là con ông Lâm. Phòng khám có gần 50 BN; kẻ đứng người ngồi từ trong nhà ra dọc vỉa hè. Nơi này BN đông, khu vực bào chế, đóng gói thuốc nằm ngay gần nhà vệ sinh. Một phụ nữ và một nam thanh niên đang đổ thuốc ra tấm bạt để đóng gói chuyển vào phòng khám bán cho người bệnh. Nơi đây cũng được trưng dụng thành nơi dưỡng thương cho hơn 10 BN nằm ngồi la liệt. Người thì băng tay, kẻ băng chân, người đắp thuốc ở lưng, cổ…

 

Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều người đi khám lần đầu khi tới phòng khám của “thầy” đều được yêu cầu chụp phim rồi mới được khám. Phòng chụp phim không có bảng hiệu, nhìn bên ngoài như nhà bình thường, không ghi rõ ai làm chủ cơ sở, nhân viên không mang bảng tên. Cửa phòng chụp không được đúc chì cản tia X.

 

Đoàn thanh tra kiểm tra phòng khám của ông Lâm

Đoàn thanh tra kiểm tra phòng khám của ông Lâm

 

Bó thuốc có… canxi cho mạnh xương!

 

Tại phòng mạch 302 Đỗ Ngọc Thạnh, nhiều BN đến khám về các bệnh cơ xương khớp như: trật, đả khớp, thậm chí là thoát vị đĩa đệm, gãy xương... Có người được bó thuốc tại chỗ hoặc mua thuốc về nhà bó, nhưng chỉ có ba loại thuốc dùng cho mọi BN gồm: thuốc dạng lỏng màu đen (thuốc rượu dùng bôi ngoài da), thuốc đắp có màu vàng như mùn cưa (đóng trong bịch ni lông) và thuốc thang gói trong giấy báo. Nhiều BN bị bệnh khác nhau, nhưng chỉ định và dùng thuốc như nhau.

 

Dù còn trẻ nhưng khả năng “chém gió” của “thầy lang” con của ông Lâm thuộc hàng “siêu sao”. “Thầy” khoe: “Người 85 tuổi bị đau lưng, tôi làm 3 lần là khỏi. Có người đau lưng 20 năm đến tôi, bảo đảm hết đau. Có người ngồi xe lăn tới, tôi cũng chữa cho đi lại được luôn. Có người xương gãy làm ba khúc, tôi bó lại xong bình thường luôn. Muốn làm được như vậy phải học Đông Tây y kết hợp”.

 

Trong lúc nghe BN đang trò chuyện, “thầy” quay sang hỏi BN một câu rất buồn cười: “Chị bị xẹp chưa?”, rồi lại nghe điện thoại. Đến lượt BN Ng.V.S., sau khi xem phim chụp gót chân, mắt cá, thầy phán: “Nếu cái chân của anh khi mới bị đến tôi bó thuốc là sau này chạy đá banh được luôn chứ giờ thế này thì… Nhưng không sao, tui có cách bó thuốc có canxi cho mạnh xương, chắc xương là đi được”.

 

BN Lâm Lệ D. (gần chợ An Đông, Q.5) vừa đem phim vào liền bị thầy phán: “Biến dạng hết tùm lum rồi đó… Cô bị đau cột sống cổ, lưng, cứng khớp tay, yếu tay, không cầm đồ được, cong ngón tay không thẳng ra được phải cầm bẻ ra… Bệnh của cô là nghiêm trọng rồi đó. Nếu cô vô bệnh viện là họ đòi mổ đó”.

 

Thế nhưng, sau đó, “thầy” lại mâu thuẫn với chính cách chẩn đoán của mình: “Nhưng chưa có phát bệnh. Cô bị chèn dây thần kinh. Cô giờ mới phát bệnh cái tay thôi. Thường sau khi mổ do bị tai nạn thì (khớp) dính à”. Nghe vậy, chị D. phản ứng: “Có bị tai nạn nhưng có mổ đâu?”. Thầy liền chữa cháy: “Cô bị nhức đầu mỏi vai, tê tay cầm đồ không nổi là đúng rồi. Tay cô bị sưng. Giờ cô lấy thuốc về hay bó ở đây?”.

 

Khu vực đóng gói thuốc ở gần cầu thang, nhà vệ sinh

Khu vực đóng gói thuốc ở gần cầu thang, nhà vệ sinh

 

Nhiều BN đến chỗ ông Lâm vì nghe đồn ông chữa hay nhưng sau khi bó hết thuốc vẫn không hết bệnh. Bà Hứa T.Ph. (84 tuổi, ngụ đường Phó Cơ Điều, Q.11) cho biết, trước đây bác sĩ chẩn đoán bà bị gãy xương đùi, nhưng vì nghe tin đồn “thầy” Lâm bó thuốc không cần mổ vẫn lành bệnh nên bà tìm đến. Khi đến khám, thầy bắt chụp phim rồi kê ba thang thuốc bó giá 1,5 triệu đồng. Sau đó, bà bó tiếp hai thang vẫn không đi lại được. Sau khi bó thuốc xong, gia đình đưa bà đi chụp phim thì bác sĩ vẫn khẳng định: “Gãy cổ xương đùi phải”. Cuối cùng người nhà phải đưa bà trở lại bệnh viện để điều trị.

 

Tại phòng khám của ông Lâm, trong quá trình ngồi chờ “khám bệnh” thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp BN xông vào, chen ngang hỏi thầy vì sao thuốc uống hết, đắp hết (chín ngày, thậm chí 12 ngày), tốn hơn một triệu đồng mà không hết bệnh. Một BN tới phản ảnh: “Sao tui bó thuốc của thầy hơn tháng, hết năm thang rồi mà cái chân vẫn đau, nó sưng hoài”. Một BN nữ than: “Bó thuốc thầy đã gần hai tháng hết 1,8 triệu tiền thuốc mà vẫn còn đau quá”. Một BN bó thuốc cách đây sáu tháng, có đỡ nhưng giờ bị đau lại sau khi cúi lên cúi xuống. “Thầy” giải thích rằng, bệnh này bị lại nhiều lắm…

 

Bệnh nhân tới bó thuốc tại cơ sở 302 Đỗ Ngọc Thạnh

Bệnh nhân tới bó thuốc tại cơ sở 302 Đỗ Ngọc Thạnh

 

Chỉ hiệu quả với những bệnh đơn giản

 

Bác sĩ Trần Văn Năm, Viện phó Viện Y học dân tộc TPHCM lý giải: một số loại dược liệu khi bó bên ngoài cơ thể người bệnh có thể điều trị bệnh cơ xương khớp. Tuy nhiên, hiệu quả chỉ xảy ra trên những bệnh nhẹ, đơn giản như: thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm cột sống mức độ nhẹ, bong gân, trật khớp (nhưng sau khi đã được nắn chỉnh tốt), gãy xương kín (với điều kiện trục xương thẳng, không di lệch và phải chụp X-quang theo dõi). Riêng một số chấn thương khác thì bó thuốc không đem lại kết quả.

 

TS. BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM, phân tích, theo y học phương Tây thì điều trị gãy xương do chấn thương nói chung có hai phương pháp: điều trị bảo tồn bằng nắn chỉnh, bó bột và phẫu thuật. BN chỉ cần nắn chỉnh và bó bột lại khi gãy xương kín đơn giản, ít di lệch, tổn thương kín mô mềm nhẹ. Tuy nhiên, nếu chấn thương kín có kèm dập nát nhiều mô mềm, biến chứng thần kinh, mạch máu, chèn ép khoang, tắc mạch mỡ; bị gãy xương phức tạp, xương bị di lệch nhiều: gãy xương có biến chứng thần kinh, mạch máu… thì phải phẫu thuật mới giải quyết được.

 

Cũng theo BS Nguyễn Đình Phú, trường hợp gãy cổ xương đùi ở người lớn tuổi, nếu BN già yếu, có nhiều bệnh lý nội khoa, chất lượng xương kém, không chịu đựng được cuộc phẫu thuật thì thường điều trị bảo tồn bằng nẹp chống xoay bất động ở cổ chân, chứ không bó bột.
 
Bệnh nhân tới bó thuốc tại cơ sở 302 Đỗ Ngọc Thạnh


 

Các bác sĩ ở Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM cho rằng, không thể dùng thuốc bó cho tất cả các trường hợp bệnh lý cơ xương khớp. Nhiều bệnh lý xương khớp nếu chỉ chụp phim đơn thuần thì không phát hiện bệnh. Đơn cử như bệnh viêm khớp dạng thấp phải xét nghiệm yếu tố thấp, các bệnh tự miễn gây đau khớp, bệnh xương khớp do lắng đọng axit uric... phải xét nghiệm máu, chứ chụp phim không đánh giá được. Bệnh tự miễn gây đau khớp phải uống thuốc suốt đời, chứ không thể bó thuốc. Hoặc những bệnh tổn thương gân cơ, dây chằng phải chẩn đoán bằng cộng hưởng từ (MRI), chứ chụp X-quang cũng không phát hiện.

 

Các bác sĩ còn khuyến cáo, thoát vị đĩa đệm là bệnh phổ biến hiện nay, hoàn toàn không thể đắp thuốc mà phải uống thuốc hoặc buộc phải mổ nếu đĩa đệm thoát ra và chèn vào khoang vùng tủy. Riêng bệnh về xương gai đốt sống (còn gọi là thoái hóa cột sống) thực chất là hiện tượng bình thường khi lớn tuổi.

 

Tình trạng này không cần điều trị, chỉ trừ trường hợp diễn tiến cấp tính. Người bệnh phải cẩn trọng mọi tình huống, vì thực tế có những trường hợp đau lưng do bệnh lý khác như: ngồi sai tư thế, bưng vật nặng căng giãn hệ thống dây chằng, thần kinh gây đau hoặc do thoát vị đĩa đệm. Hoặc khi lớn tuổi, lớp sụn giảm dần, dây chằng giảm độ đàn hồi, lắng đọng canxi nên có thể đau do bao khớp, bao hoạt dịch...
 

 Buộc ngừng hoạt động 3 phòng mạch và cơ sở chụp X-quang

 

Từ nguồn tin của Báo Phụ Nữ TP.HCM, sáng 12/11, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã tiến hành kiểm tra ba cơ sở hoạt động của ông Trần Sưởng Lâm (còn gọi là Quốc Lâm, Trần Cóoc Lắm) ở các địa chỉ 302, 308,179 Đỗ Ngọc Thạnh, P.4, Q.11 và một phòng X-quang (93 Tân Khai, Q.11). Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện cả bốn cơ sở đều hoạt động không phép.

 

Tại phòng khám 302 Đỗ Ngọc Thạnh, thanh tra phát hiện có hàng chục bệnh nhân (BN) tới điều trị, đắp thuốc. Thế nhưng, hai người khám bệnh, đắp thuốc cho BN là Trần Sưởng Lâm và Trần Gia Nguyên chưa trình được giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề. Thậm chí “lương y” Trần Gia Nguyên (con trai ông Trần Sưởng Lâm chưa có bằng cấp chuyên môn…). Cũng tại đây, đoàn phát hiện nhiều bao dược liệu, hàng chục chai thuốc xoa, gói thuốc đắp không rõ xuất xứ, không nhãn mác, cách sử dụng, chưa đăng ký bài thuốc với Sở Y tế. Nơi đóng gói, pha chế thuốc gần nhà vệ sinh. Tại cơ sở 308 Đỗ Ngọc Thạnh, tuy đang hoạt động nhưng không có lương y. Lúc kiểm tra có năm BN đang đắp thuốc. Người thực hiện kỹ thuật bó thuốc cho BN là Trình Cẩm. Tương tự, tại phòng khám số 179 có bốn BN đang bó thuốc. Người bó thuốc là Võ Diệp Hương. Đoàn thanh tra phát hiện nhiều dược liệu chưa bào chế.

 

Lúc 9h30 ngày 12/11, khi phát hiện có thanh tra tới kiểm tra ba phòng mạch, nhân viên tại phòng X-quang (93 Tân Khai) của ông Trần Sưởng Lâm đã đóng cửa, ngừng hoạt động nhằm qua mặt đoàn thanh tra. Tuy nhiên, sau đó Thanh tra Sở cùng chính quyền địa phương đã yêu cầu ông Trần Sưởng Lâm mở cửa phòng X-quang. Lúc này có hai nhân viên (một kỹ thuật viên chụp X-quang, và một nhân viên thu tiền) đang ở trong phòng. Qua kiểm tra có hồ sơ sáu BN chụp, phát hiện một máy X-quang, một máy rửa phim X-quang và nhiều phim X-quang. Cơ sở này cũng không có giấy phép hoạt động, không có chứng nhận an toàn môi trường bức xạ… Cơ sở có kỹ thuật viên chụp nhưng không có người đọc kết quả X-quang mà người đọc phim là ông Trần Sưởng Lâm và Trần Gia Nguyên (cả hai đều chưa qua đào tạo).

 

Thanh tra Sở Y tế TPHCM yêu cầu ông Trần Sưởng Lâm ngay lập tức phải ngừng hoạt động ba phòng mạch và cơ sở chụp X-quang trên. Phòng khám không được tiếp BN, trưng biển báo nghỉ hoạt động để người dân được biết. Đoàn thanh tra cũng đã bàn giao lại việc quản lý, theo dõi việc chấp hành cho chính quyền địa phương. Thanh tra Sở Y tế đã niêm phong các gói thuốc để kiểm định và xử lý.

 

Theo Nhóm phóng viên CT-XH

Phụ nữ TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm