TPHCM: Số người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn tăng vọt

(Dân trí) - TPHCM đã có 8 trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn lợn được ghi nhận trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay. Các nạn nhân may mắn thoát chết, nhưng số người nhiễm tăng cao hơn năm trước.

Bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn, nguy cơ tử vong rất cao
Bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn, nguy cơ tử vong rất cao

Thống kê sơ bộ của Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố chỉ ra, từ đầu năm đến nay đã có 8 trường hợp phải nhập viện điều trị vì nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Bệnh do vi khuẩn Streptococcus suis (S.suis) cư trú ở đường hô hấp trên, hạch hầu họng, phủ tạng, đường tiêu hóa, đường sinh dục và trong máu của lợn bệnh.

Trong khi đó, năm 2015, trên địa bàn thành phố chỉ có 5 ca nhiễm liên cầu khuẩn lợn, nhưng 3 trường hợp trong số đó đã tử vong.

Trước tình hình trên, ngành y tế thực hiện nhiều giải pháp truyền thông phòng tránh nguy cơ nhiễm bệnh đến cộng đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, người dân vẫn chủ quan thờ ơ nên số ca nhiễm bệnh vẫn tiếp tục gia tăng.

Để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn, BS Lâm Cẩm Linh, khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng khuyến cáo, người chăn nuôi nên tiêm phòng vắc xin cho đàn lợn; vệ sinh chuồng trại sạch sẽ; mang găng tay, khẩu trang khi vệ sinh chuồng trại hoặc tiếp xúc với vật nuôi. Không vận chuyển, buôn bán, giết mổ, ăn thịt lợn bệnh; khi phát hiện lợn chết bất thường phải báo cho cơ quan thú y để có giải pháp xử lý, không tự ý tiêu hủy lợn bệnh.

Các bà nội trợ chỉ nên chọn mua thịt lợn đã được cơ quan thú y kiểm dịch; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề; không ăn tiết canh, thịt lợn, nội tạng lợn khi chưa được nấu chín. Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn sống hoặc tái, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc với thịt lợn.

Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh người bệnh phải nhanh chóng đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Liên cầu khuẩn lây từ lợn sang người qua tiếp xúc trực tiếp hoặc sử dụng các món ăn chế biến từ thịt lợn bệnh đang còn tươi sống hoặc chưa được nấu chín.

Người mắc bệnh thường sốt cao, đau đầu, buồn nôn, ù tai, cứng gáy, có thể bị rối loạn ý thức, phát ban xuất huyết dưới da... biến chứng viêm màng não mủ và sốc nhiễm khuẩn do bệnh gây ra khiến người nhiễm đối mặt với nguy cơ tử vong rất cao.

Vân Sơn