1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM phát hiện hàng chục F0 đã tiêm đủ 2 mũi vaccine: Chuyên gia nói gì?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo chuyên gia dịch tễ, việc phát hiện hàng chục người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nhưng vẫn nhiễm Covid-19 là bình thường, không có gì quá lo lắng.

Ngày 25/10, nguồn tin riêng của phóng viên tại ngành y tế huyện Bình Chánh (TPHCM) cho biết, nơi đây đã tiến hành xét nghiệm lại lần 2 cho người dân khu vực các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, sau khi phát hiện hàng chục trường hợp F0 trong lần xét nghiệm tầm soát Covid-19 đầu tiên.

Trước đó, ngày 22/10, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đã kiểm tra công tác thực hiện lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 và tiêm vaccine phòng Covid-19 tại 11 ấp trên địa bàn huyện Bình Chánh. Chỉ trong buổi sáng, huyện phát hiện khoảng 78 trường hợp test nhanh dương tính trên hơn 3.000 mẫu xét nghiệm tại xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B.

Ngay lập tức, ngành chức năng huyện Bình Chánh đã áp dụng ngay hướng dẫn mới về quy trình xử lý ổ dịch tại cộng đồng. Cụ thể, đối với hộ gia đình có F0, các thành viên trong hộ sẽ được xét nghiệm và cách ly trong 14 ngày từ ngày phát hiện F0 đầu tiên.

Sau khi phân loại, các F0 được chia ra nhóm cách ly tại nhà và nhóm cách ly tập trung. Các lực lượng chức năng đã tiến hành đánh giá sơ bộ khu vực phát hiện F0, phát hiện ít nhất 2 hộ gia đình có F0 trong cùng khu vực và có giao tiếp với nhau. Nơi đây cũng từng là ổ dịch trong 3 tháng trước đó.

TPHCM phát hiện hàng chục F0 đã tiêm đủ 2 mũi vaccine: Chuyên gia nói gì? - 1

Xét nghiệm nhanh Covid-19 tại TPHCM (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Đáng chú ý trong số các ca nhiễm vừa phát hiện tại 2 xã trên, 100% F0 trên 18 tuổi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19, đều có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Còn lại là nhóm trẻ dưới 18 tuổi chưa chích ngừa.

Cũng theo nguồn tin, thống kê ban đầu là các ca nhiễm phát hiện trên 3.000 mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên trên thực tế lên đến hơn 5.000 người, vì địa bàn hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B dân cư đông. "Việc xét nghiệm lại lần 2 là theo quy định chống dịch chung và cũng để tránh bỏ sót trường hợp chưa phát hiện" - nguồn tin cho biết.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có gì bất thường khi nhiều người tiêm hai mũi vaccine Covid-19 vẫn nhiễm bệnh hay không, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, điều này hoàn toàn bình thường.

Theo chuyên gia, biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 làm nguy cơ lây nhiễm gia tăng rất cao. Việc tiêm đủ 2 mũi vaccine không giúp ngừa nhiễm Covid-19 hoàn toàn mà để hạn chế thấp nhất tỉ lệ bệnh nhân nặng và tử vong. Với những trường hợp trẻ em chưa tiêm bị nhiễm bệnh, bác sĩ Khanh nói cũng không cần quá lo lắng, bởi tỉ lệ trẻ em mắc Covid-19 nặng và tử vong là rất thấp.

Chuyên gia dịch tễ cho rằng, điều cần làm là nhanh chóng phủ vaccine cho tất cả các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng (bao gồm người trưởng thành và trẻ từ 12-17 tuổi). Với những người phát hiện nhiễm cần phân loại F0 và áp dụng quy trình chống dịch, cách ly trong tình hình mới.

Ngoài ra, vì người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn có thể mắc bệnh và lây cho người chưa tiêm nên cần tuân thủ 5K, khẩu trang và tăng cường rửa tay, xịt khuẩn, hạn chế tiếp xúc với người lạ là cách để phòng dịch tốt nhất.

Trong một diễn biến khác, phường 12, quận Gò Vấp những ngày gần đây ghi nhận số ca dương tính với xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 có khuynh hướng gia tăng.

TPHCM phát hiện hàng chục F0 đã tiêm đủ 2 mũi vaccine: Chuyên gia nói gì? - 2

Khu vực cách ly tạm thời những F0 vừa phát hiện tại phường 12, quận Gò Vấp (Ảnh: HCDC).

HCDC nhận định, nguyên nhân gia tăng số ca nghi nhiễm tại phường 12 là do người dân từ các tỉnh, thành khác quay lại TPHCM. Họ được lấy mẫu xét nghiệm nhanh trước khi làm việc trở lại và có kết quả dương tính. Về kết quả tiêm vaccine phòng Covid-19, địa phương đã đạt 95,4% mũi một và 82,5% mũi 2 cho người trên 18 tuổi.

Các lực lượng chức năng của phường thành lập 5 nhóm hỗ trợ F0 cách ly tại nhà qua ứng dụng mạng xã hội. Mỗi nhóm có đại diện lãnh đạo phường, một bác sĩ, một nhân viên y tế, một cán bộ phường và đại diện ban ngành, đoàn thể của phường.