TPHCM phân 2 BV mời thầu thuốc dược liệu và thuốc generic, kết quả ra sao?
(Dân trí) - Lần đầu tiên Sở Y tế TPHCM triển khai kế hoạch đấu thầu thuốc tập trung cho tuyến y tế cơ sở, trong đó Bệnh viện Hùng Vương và Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM được phân công làm bên mời thầu.
Ngày 7/10, Sở Y tế TPHCM đã thông tin về tiến độ đấu thầu thuốc tập trung cho tuyến y tế cơ sở, trong bối cảnh những năm qua, kết quả cung ứng thuốc của hầu hết các trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức còn rất hạn chế.
Theo đó, hiện nay ngoài một số trạm y tế thuộc số ít các địa phương Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Phú và Cần Giờ có danh mục thuốc tương đối đa dạng, các trạm y tế của đa số nơi chỉ có 10-15 mặt hàng thuốc. Nhiều trạm y tế chưa đảm bảo đủ cơ số thuốc tối thiểu điều trị các bệnh lý mạn tính, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Mới đây, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 07/2024/TT-BYT quy định về đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế công lập, theo Luật Đấu thầu năm 2023.
Ngay sau đó, Sở Y tế TPHCM đã tổng hợp nhu cầu và triển khai thực hiện các gói thầu thuốc generic (thuốc công thức) và thuốc dược liệu, thuốc có kết hợp dược chất với các dược liệu, thuốc cổ truyền để mua sắm thuốc tập trung cho các trạm y tế trên địa bàn giai đoạn 2024-2025.
Cụ thể, gói thầu thuốc dược liệu, thuốc có kết hợp dược chất với các dược liệu, thuốc cổ truyền được Sở Y tế phân công cho Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM làm bên mời thầu (hồ sơ đăng ngày 16/8), gồm 57 khoản, giá trị kế hoạch hơn 16,3 tỷ đồng. Sau khi đóng thầu, 28 nhà thầu tham dự với 104 sản phẩm dự thầu.
Gói thầu thuốc generic được Sở Y tế phân công cho Bệnh viện Hùng Vương làm bên mời thầu. Thông báo và hồ sơ mời thầu được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia ngày 1/8 gồm 298 khoản, giá trị kế hoạch hơn 81,3 tỷ đồng. Sau khi đóng thầu, có 80 nhà thầu tham dự với 482 sản phẩm dự thầu.
Sau thời gian khẩn trương thực hiện, đến nay gói thầu do Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM làm bên mời thầu đã có kết quả lựa chọn nhà thầu theo Quyết định số 5012/QĐ-SYT ngày 4/10 của Sở Y tế.
Cụ thể, trong 57 thuốc mời thầu đã lựa chọn được 50 thuốc (đạt tỷ lệ 87,7%). Với giá kế hoạch của 50 mặt hàng trúng thầu hơn 15,2 tỷ đồng, trong khi giá trúng thầu thực tế là 12,2 tỷ đồng, giá trị tiết kiệm sau khi đấu thầu đạt hơn 2,9 tỷ đồng.
Còn gói thầu thuốc generic do Bệnh viện Hùng Vương làm bên mời thầu hiện đã xong giai đoạn đánh giá hồ sơ và tổng hợp kết quả, vì quy mô tương đối lớn. Dự kiến, gói thầu này sẽ được phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trong khoảng 10-12/10.
Theo thông tin tổng hợp ban đầu, có khoảng 240 thuốc trúng thầu trong 298 thuốc mời thầu (đạt tỷ lệ 80,5%).
Sau khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, Sở Y tế chỉ đạo bên mời thầu khẩn trương ký thỏa thuận khung, chuẩn bị chuyển giao kết quả phân bổ số lượng dự trù cho các trung tâm y tế. Trên cơ sở đó, các trung tâm y tế thực hiện ký hợp đồng và mua sắm thuốc phục vụ nhu cầu tại các trạm y tế.
Với thực tế đấu thầu trên, danh mục thuốc tại trạm y tế có thể tăng đến khoảng 300 mặt hàng, đáp ứng cho yêu cầu điều trị. Trong quá trình thực hiện gói thầu, thuốc trúng thầu có thể được điều chuyển số lượng phân bổ tùy nhu cầu và tình hình thực tế, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc của các cơ sở y tế.