TPHCM: Nước giếng hộ gia đình đã bị ô nhiễm nghiêm trọng
(Dân trí) - Chỉ có hơn 41% nước giếng hộ gia đình tự khai thác đạt các chỉ tiêu về hóa lý và vi sinh, số còn lại không đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Bên cạnh đó, nguồn nước máy qua bồn chứa vệ tinh cũng bị ô nhiễm rất nặng.
Kết quả kiểm tra ngoại kiểm chất lượng nguồn nước trên địa bàn thành phố trong tháng 10 được Trung tâm Y tế Dự phòng công bố vào ngày 22/11 cho thấy, nhiều nguồn nước trên địa bàn đang bị ô nhiễm nghiêm trọng về các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người sử dụng.
Cụ thể, đoàn kiểm tra đã lấy 18 mẫu nước máy qua bồn chứa vệ tinh thực hiện các xét nghiệm thì chỉ có 5 mẫu đạt chỉ tiêu hóa lý, vi sinh, 13 mẫu còn lại không đạt các chỉ tiêu nói trên. Tỷ lệ mẫu nước máy qua bồn chứa, vệ tinh đảm bảo an toàn cho người sử dụng chỉ đạt 27,7%.
Kết quả khảo sát 24 mẫu nước giếng hộ gia đình tự khai thác nguồn nước ngầm gồm giếng đào, giếng khoan thuộc các quận huyện ngoại thành thì chỉ có 10 mẫu đạt, 14 mẫu còn lại không đạt chi tiêu hóa lý, vi sinh như độ pH, amoni và E.coli.
Thực tế trên cho thấy, các bồn chứa vệ tinh nước máy đã bị ô nhiễm nhưng không được vệ sinh thường xuyên. Nguồn nước ngầm người dân đang tự khai thác và sử dụng đã bị ô nhiễm rất nghiêm trọng do nước ngầm bị nhiễm nước thải của quá trình đô thị hóa, phân bón, phân từ người và động vật...
Theo phân tích của Trung tâm Y tế Dự phòng, nguồn nước không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người dân. Độ pH thấp làm tăng tính a-xít trong nước, gây ăn mòn kim loại trên đường ống, vật chứa và tích lũy các ion kim loại gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm hỏng vải quần áo khi giặt, gây ngứa khi tắm gội, gây hỏng men răng, có thể tạo điều kiện xuất hiện các bệnh ngoài da. Nguồn nước có hàm lượng amoni, E.coli có thể gây ung thư cho con người hoặc gây ra các bệnh nhiễm trùng đường ruột, tiêu chảy cấp, nhiễm trùng huyết...
Đến nay, nguồn nước thủy cục trên toàn thành phố mới cung cấp được cho khoảng 91% số hộ gia đình, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa của thành phố đa phần phải sử dụng nguồn nước tự khai thác. Để hạn chế nguy cơ bệnh tật do nguồn nước gây ra, Trung tâm Y tế Dự phòng khuyến cáo cộng đồng cần xử lý nước trước khi đưa vào sử dụng bằng hệ thống lọc, thường xuyên vệ sinh hoặc thay mới bộ phận lọc của hệ thống. Những gia đình đã có nguồn nước thủy cục, không nên tiếp tục sử dụng nước giếng cho ăn uống, sinh hoạt.
Vân Sơn