TPHCM: Nhiều bệnh nhân ung thư mắc Covid-19 nặng vì chưa tiêm vaccine

Hoàng Lê

(Dân trí) - Dù thuộc đối tượng ưu tiên tiêm chủng ngay từ đầu nhưng đến nay khi TPHCM đã mở chiến dịch tiêm mũi 3, vẫn còn những bệnh nhân ung thư mắc Covid-19 nặng mà chưa có mũi vaccine nào.

TPHCM đã khởi động chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 từ ngày 10/12. Bệnh nhân ung thư trên 18 tuổi (với thời gian được tiêm mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày) là đối tượng được ưu tiên, như nhiều đợt tiêm chủng trước đó.

Nhưng trớ trêu là đến giờ này, vẫn còn nhiều bệnh nhân ung thư chưa tiêm mũi vaccine nào, mắc Covid-19 và nhập viện trong tình trạng nặng.

Hàng loạt F0 ung thư chưa tiêm vaccine

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Điều trị Ung bướu, Bệnh viện Dã chiến Điều trị Covid-19 TP Thủ Đức số 1 cho biết, từ đầu tháng 11 đến nay khoa đã tiếp nhận 119 bệnh nhân ung thư mắc Covid-19. Trong đó chỉ có 64 trường hợp tiêm đủ 2 liều vaccine cơ bản, 20 bệnh nhân được chích một mũi và đến 35 F0 chưa tiêm mũi nào, một tỉ lệ khá cao.

TPHCM: Nhiều bệnh nhân ung thư mắc Covid-19 nặng vì chưa tiêm vaccine - 1

Bệnh nhân ung thư mắc Covid-19, chưa tiêm mũi vaccine nào (Ảnh: BSCC).

Điển hình là trường hợp của ông H. (63 tuổi), một bệnh nhân bị ung thư vùng đầu, cổ.

Đầu tháng 12, vì khối u lở loét ra da, ông H. đến một bệnh viện thăm khám, thay băng vết thương và được phát hiện mắc Covid-19 nên chuyển vào Bệnh viện Dã chiến Điều trị Covid-19 TP Thủ Đức số 1.

Theo lời kể của người nhà, vì thấy ông bệnh nặng và đi lại khó khăn nên ngần ngại, không đưa đi tiêm vaccine.

Hậu quả là thời điểm nhập viện, sức khỏe bệnh nhân rất yếu, bệnh nền nặng vì khối u đã di căn gan và thiếu máu nặng.

Ngoài điều trị Covid-19, các bác sĩ phải truyền máu, dùng kháng viêm, kháng đông, chăm sóc tại chỗ liên tục cho bệnh nhân. Nhờ đáp ứng tốt với điều trị, diễn tiến thuận lợi nên ông H. hiện đã qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng may mắn như vậy.

Theo bác sĩ Vũ, có nhiều F0 là bệnh nhân ung thư chưa kịp nhập vào khoa Ung bướu đã trở nặng, tử vong ở khoa Cấp cứu.

Lý giải về nguyên nhân chưa tiêm đủ vaccine, bác sĩ Vũ cho biết một số địa phương, nhất là ở tỉnh, vì nhân viên y tế còn ngại bệnh nhân thể trạng yếu, bệnh nền mà trì hoãn tiêm vaccine. Hoặc do người nhà không cho tiêm, thậm chí chính bệnh nhân không muốn tiêm vì nghe thông tin tiêm sẽ bị sốc, sợ vaccine hành.

"Một số bệnh nhân mới chích mũi đầu, chưa kịp tiêm mũi 2 vì chưa tới lịch đã nhiễm Covid-19. Hoặc bệnh nhân ở tỉnh, khi vào TP điều trị đã bị lỡ lịch chích ở quê và không biết liên hệ ai để tiêm vaccine" - bác sĩ Vũ cho biết thêm.

TPHCM: Nhiều bệnh nhân ung thư mắc Covid-19 nặng vì chưa tiêm vaccine - 2

Nhiều bệnh nhân ung thư tại TPHCM vẫn chưa tiêm vaccine Covid-19 dù là đối tượng ưu tiên (Ảnh: BSCC).

Tiêm vaccine không làm bệnh ung thư nặng lên

Thống kê cho thấy, với các bệnh nhân ung thư giai đoạn nặng, khi mắc Covid-19 sẽ làm  bệnh diễn tiến nhanh, với tỷ lệ tử vong lên đến 25-30%, gấp 10-12 lần so với tỷ lệ trung bình của Việt Nam (2,5%) và thế giới (2,1%).

Bác sĩ Vũ thông tin, việc chăm sóc bệnh nhân ung thư mắc Covid-19 đòi hỏi phải theo dõi sát để can thiệp kịp thời. Ngoài điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế như hỗ trợ hô hấp, kháng viêm, kháng đông, các F0 phải được xử lý các triệu chứng do bệnh ung thư gây ra, đặc biệt là chống đau, nhất là khi ung thư khi di căn qua xương, não, gan…

Điều trị giảm đau cho bệnh nhân ung thư cũng phải khéo léo do phần lớn dựa trên morphine, nếu không chú ý có thể gây suy hô hấp nặng hơn. Ngoài ra, bệnh nhân có thể có các biến chứng như tràn dịch trong bụng, phổi, tim... kèm theo do ảnh hưởng của bệnh.

TPHCM: Nhiều bệnh nhân ung thư mắc Covid-19 nặng vì chưa tiêm vaccine - 3

Bác sĩ khẳng định, tiêm vaccine không làm tình trạng ung thư nặng hơn (Ảnh: BSCC).

Vì các bệnh nhân giai đoạn cuối đều vận động kém, thể trạng suy kiệt nên mọi chuyện đều nhờ nhân viên y tế hỗ trợ, từ pha sữa, đút ăn, uống, thay drap, thay tã, đổ rác.

Chứng kiến những câu chuyện bi kịch đau lòng của bệnh nhân ung thư khi thành F0, bác sĩ Vũ khuyên bệnh nhân hãy tiêm đủ vaccine càng sớm càng tốt. Ngoài trường hợp dị ứng với các thành phần của thuốc, có tiền sử sốc phản vệ thì không có chống chỉ định tiêm vaccine với người bị suy giảm miễn dịch (như người cấy ghép tạng, HIV, ung thư...).

Bác sĩ nhấn mạnh, tiêm vaccine không làm tình trạng ung thư hay các bệnh nền nặng hơn, ngược lại còn giúp bảo vệ nguy cơ đáng kể. Ngay cả những bệnh nhân đã chích ngừa, dù mới một mũi cũng có diễn tiến thuận lợi và khả năng hồi phục nhanh chóng hơn.