1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM: Nhiều bất cập trong quản lý phòng khám Trung Quốc

(Dân trí) - Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, nhiều người dân tin vào thông tin quảng cáo nên tìm đến phòng khám Trung Quốc điều trị với chi phí cao nhưng bệnh không khỏi. Bệnh nhân bị lừa nhưng không dám tố cáo vì “mắc bệnh khó nói”. Ông thừa nhận, việc quản lý phòng khám có yếu tố nước ngoài còn nhiều bất cập.

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 3 HĐND TPHCM khóa IX, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đặt câu hỏi với Giám đốc Sở Y tế TPHCM về tình trạng bệnh nhân rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang” khi đến phòng khám có bác sĩ Trung Quốc.

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm

“Thời gian qua, hàng chục phòng khám sử dụng bác sĩ Trung Quốc lừa bệnh nhân, vẽ bệnh để lấy nhiều tiền mà điều trị không khỏi, thậm chí biến chứng. Ví dụ như phòng khám Thế Giới (quận 5), phòng khám 3 tháng 2 (quận 11), phòng khám Đại Đông (quận Tân Bình)… Người dân kêu cứu, báo chí cũng có nhiều phản ánh. Vấn đề này Sở Y tế có biết, việc quản lý những phòng khám này ra sao? Biện pháp để chấn chỉnh tình trạng này?”, đại biểu Trâm đặt câu hỏi.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh thừa nhận công tác kiểm soát phòng khám tư nhân rất phức tạp, nhất là phòng khám có yếu tố nước ngoài còn nhiều bất cập. Hiện nay TP có gần 4.500 phòng khám tư nhân.

Ông Bỉnh cho biết, tình trạng mà đại biểu phản ánh về phòng khám Trung Quốc diễn ra nhiều năm rồi, tình hình rất phức tạp. “Đối với các phòng khám có yếu tố nước ngoài, mỗi năm cơ quan chức năng tái kiểm 1-2 lần, riêng phòng khám Trung Quốc là 3-4 lần”, ông Bỉnh nói.

Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh
Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh

Theo ông Bỉnh, hiện nay quảng cáo về các phòng khám tư nhân rất nhiều. Trong khi người dân dễ bị tin vào quảng cáo và đi điều trị chi phí cao. Sở cũng phối hợp với cơ quan báo chí để tiếp nhận và xử lý các trường hợp sai phạm, lừa gạt người bệnh. Tuy nhiên, có trường hợp khi cơ quan chức năng đến nơi thì mọi việc đã xong, hồ sơ bệnh án cũng không còn. Vừa qua, có phụ nữ bị bệnh phụ khoa nhạy cảm. Nhưng khi thanh tra vào cuộc thì bệnh nhân “rụt lại”.

“Hiện nay, nếu kiểm tra mà không có giấy phép hành nghề thì phạt nặng. Nếu rút giấy phép thì họ cũng quay trở lại. Có phòng khám bị phạt 900 triệu đồng, họ đóng rồi bỏ chỗ cũ, chuyển sang địa chỉ khác”, ông Bỉnh nói và cho rằng dù có nhiều bất cập nhưng kiểu gì ngành y tế cũng phải quản lý tốt.

Ông Bỉnh cũng nhấn mạnh, người dân tìm đến phòng khám nước ngoài thường là “mắc bệnh khó nói”, khi bị lừa gạt thì thường không dám tố cáo. Nhiều người dân không tiếp cận được dịch vụ y tế tốt, tin quảng cáo rồi đi tới khám, vừa tốn tiền mà bệnh không khỏi. Ông cho biết, sắp tới hệ thống y tế cơ sở được trang bị tốt hơn để chăm sóc sức khỏe người dân.

Quốc Anh