TPHCM: Một phụ nữ uống 40 viên paracetamol, lại nguy kịch vì sốt xuất huyết
(Dân trí) - Tưởng bệnh nhân nguy kịch vì ngộ độc sau khi uống 40 viên paracetamol nhưng khi cấp cứu, các bác sĩ bất ngờ phát hiện người phụ nữ bị sốc sốt huyết nặng.
Ngày 29/11, đại diện Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM) cho biết, các bác sĩ mới đây kịp thời cứu sống một trường hợp bị sốt xuất huyết nặng vì nhập viện trễ.
Bệnh nhân là chị H.K.N. (35 tuổi), vào viện trong tình trạng nôn ói có lẫn máu. Khai thác bệnh sử, trước nhập viện 5 ngày, bệnh nhân đau bụng âm ỉ kèm buồn nôn, đau mỏi cơ, sốt liên tục. Bệnh nhân tự mua thuốc uống nhưng không khỏi, đến khi tình trạng đau bụng và nôn ói ngày càng nặng nề mới đi cấp cứu.
Thời điểm nhập viện, chị N. trong tình trạng tiếp xúc chậm, bứt rứt, vàng mắt và đau bụng. Người nhà chia sẻ, bệnh nhân đã tự uống 40 viên paracetamol và có dấu hiệu trầm cảm. Xét nghiệm thời điểm nhập viện cho thấy, bệnh nhân có tình trạng tổn thương gan, thận, tiểu cầu giảm, rối loạn đông máu, xét nghiệm kháng nguyên sốt xuất huyết âm tính.
Rạng sáng ngày 12/11, bệnh nhân được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU), với chẩn đoán tổn thương gan, thận cấp do ngộ độc paracetamol và viêm gan siêu vi C. Bệnh nhân được tiến hành truyền dịch, truyền thuốc điều trị ngộ độc paracetamol tĩnh mạch, dùng kháng sinh, vitamin K1.., và làm lại xét nghiệm kháng thể sốt xuất huyết để xác định chẩn đoán.
10 tiếng nhập khoa, chị N. có mạch, huyết áp ổn nhưng vẫn đau bụng, dịch dạ dày có màu đen, tiểu cầu giảm thấp, men gan tiếp tục tăng cao, chức năng thận xấu đi. Xét nghiệm kháng thể IgM sốt xuất huyết cho kết quả dương tính.
Tại thời điểm này, ekip điều trị tiến hành truyền tổng cộng 1,5 lít huyết tương tươi đông lạnh và hồng cầu lắng, tiếp tục truyền dịch theo phát đồ sốt xuất huyết, kháng sinh, thuốc ức chế trào ngược dạ dày... cho bệnh nhân.
18 giờ sau khi truyền máu và các chế phẩm, tình trạng lâm sàng bệnh nhân cải thiện, men gan giảm nhanh, chức năng thận cải thiện. Các ngày sau đó, bệnh nhân tỉnh, không sốt và không còn cảm giác đau bụng, tiểu cầu tăng dần.
Sau 12 ngày điều trị tại khoa, bệnh nhân khỏe mạnh, chức năng gan, thận phục hồi hoàn toàn và đã được xuất viện.
Bác sĩ Nguyễn Thiên Bình, Trưởng khoa ICU, Bệnh viện Trưng Vương cho biết, khi thấy bệnh nhân suy gan và khai uống 40 viên paracetamol, ban đầu ekip điều trị chẩn đoán là ngộ độc thuốc. Tuy nhiên, có nhiều triệu chứng không giải thích được và dù xét nghiệm kháng nguyên Dengue NS1 âm tính, các bác sĩ vẫn tiến hành các cận lâm sàng khác để tìm kiếm và nhờ vậy đã phát hiện bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.
"Bệnh nhân đã ở giai đoạn sốc sốt xuất huyết nhưng mạch và huyết áp vẫn trong giới hạn bình thường nên khó nhận biết. Nhờ phát hiện kịp thời và truyền máu, bù dịch theo đúng phác đồ, bệnh nhân đã nhanh chóng cải thiện" - bác sĩ Bình chia sẻ.
Theo bác sĩ Bình, năm nay lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng tăng cao. Để chăm sóc bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng sẽ tốn rất nhiều thời gian, nhân lực khiến áp lực của nhân viên y tế càng nặng nề.
Các bác sĩ khuyến cáo, người có cơ địa béo phì hay phụ nữ có thai là những đối tượng dễ gặp nguy hiểm khi mắc sốt xuất huyết. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người trẻ, sức khỏe bình thường nhiễm sốt xuất huyết nguy kịch. Sốt xuất huyết diễn tiến nặng thường xuất hiện ở ngày bệnh thứ 4 đến thứ 6.
Để phòng tránh bệnh, người dân cần chủ động vệ sinh nhà cửa và xung quanh nơi mình sinh sống, loại bỏ nguy cơ muỗi phát triển. Nếu có các dấu hiệu mệt mỏi, khó chịu nên đến cơ sở y tế để khám và phát hiện sốt xuất huyết trong thời gian sớm nhất.