TPHCM: Khó ngăn dịch vì... dân nhập cư đông (?!)
Tại nhiều quận, huyện của TPHCM, lãnh đạo các trung tâm y tế dự phòng than rằng số dân ở trọ quá nhiều và hầu hết ở không cố định nên việc tuyên truyền phòng chống dịch bệnh gặp khó khăn.
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng điều trị cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TPHCM
Từ đầu năm đến nay, tại TPHCM đã có hơn 2.500 ca mắc bệnh tay chân miệng, riêng trong tháng 4 đã có gần 700 ca. Trong đó, 3 trường hợp tử vong ngụ tại các quận 3, 8 và huyện Nhà Bè.
Hôi hám vẫn vô tư vui chơi
Bệnh nhi mới nhất vừa tử vong trong tháng 4 do bệnh tay chân miệng là bé gái N.T.N (5 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè). Bé N. nhập viện và tử vong trong cùng ngày 19/4 do bệnh đã quá nặng.
Tuyến đường dẫn vào khu vực ổ dịch tay chân miệng tại quận 8 những ngày này khó chịu kinh khủng bởi nóng nực kèm theo mùi hôi hám từ kênh rạch đen sì bốc lên. Cạnh khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em gần đó, nhiều người thân đưa trẻ đến chơi bất chấp môi trường ô nhiễm.
Khi hỏi về cách phòng chống bệnh tay chân miệng cho trẻ nhỏ, bà Phùng Thị Ng. (56 tuổi, ngụ phường 5, quận 8) nói: “Cả xóm nhà trọ lo đi làm ăn cả ngày, tối về lăn đùng ra ngủ. Có ai rảnh ở nhà đâu mà nghe cán bộ đến tuyên truyền phòng chống dịch bệnh hả chú!”.
Đến quận Bình Tân vào ngày 3/5, chúng tôi thử hỏi một số người dân sống ở khu ổ dịch tại phường Bình Trị Đông về việc này thì cũng đều nhận được những cái lắc đầu. Một số người nói rằng khi nào con bị bệnh thì đưa đi bệnh viện chứ trông chờ gì việc cán bộ y tế tới nhà tuyên truyền.
Tại Trung tâm Y tế dự phòng quận Bình Tân, chúng tôi nhìn bảng thống kê so sánh trước đó giữa các tháng của năm 2011 so với cùng kỳ 2010 về số ca mắc bệnh tay chân miệng ghi nhận tại quận này mà giật mình. Đơn cử, tháng 5 tăng 10 lần, tháng 6 tăng 7 lần, tháng 7 tăng 15 lần…
Bác sĩ Nguyễn Thành Danh, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp - Trung tâm Y tế dự phòng quận Bình Tân, cho biết quận có hơn 28.200 trẻ dưới 5 tuổi. Từ đầu năm đến nay đã có 116 trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Con số này cao gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2011. Số ca mắc tập trung vào các phường Tân Tạo, Bình Trị Đông, Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B.
Lo sao cho nổi!
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Biên, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 8, địa phương này cũng là điểm nóng của dịch bệnh tay chân miệng. Từ đầu năm đến nay, quận ghi nhận 150 ca mắc, tập trung ở các phường 5, 6, 7, 15.
“Khảo sát mới nhất của chúng tôi tại phường 16 với 30 hộ dân thì 96% nhân khẩu cho biết có hiểu và biết cách phòng bệnh tay chân miệng. Có một điều lạ là dù quận nỗ lực hết sức nhưng dịch bệnh vẫn không giảm”, bác sĩ Biên băn khoăn.
Theo lãnh đạo các trung tâm y tế dự phòng của những quận, huyện đang là điểm nóng của dịch bệnh tay chân miệng, địa phương dù đã quyết tâm chống dịch nhưng gặp không ít khó khăn.
Bác sĩ Danh nói quận Bình Tân có hơn 634.000 dân thì gần 50% là nhập cư, tạm trú. Số dân này tập trung nhiều trong các khu lao động, ít quan tâm đến công tác phòng chống dịch bệnh. Ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân nói chung cũng chưa cao nên rất khó thuyết phục. Số người được cán bộ y tế tuyên truyền sau đó không truyền đạt đến nơi đến chốn cho các gia đình có trẻ nhỏ. Với lại, dân số quá đông mà nhân lực kiểm soát dịch bệnh của ngành y tế địa phương mỏng nên không thể kiểm soát nổi. “Theo quy định, số cán bộ định biên cho mỗi trạm y tế phường là 8-10 người. Tại quận Bình Tân, có phường số dân lên tới 110.000, với số cán bộ như vậy thì làm sao lo cho đủ”, bác sĩ Danh phân trần.
Bác sĩ Biên cũng đồng tình với nhận định trên và nói thêm là tại quận 8, số người ở nhà trọ rất nhiều và hầu hết ở không cố định nên việc tuyên truyền gặp khó khăn. Vì thế, cần tăng cường nhân lực y tế dự phòng về cho quận, huyện. Cũng theo bác sĩ Biên, với quy định mới thì ngoài lương, cán bộ y tế dự phòng sẽ được phụ cấp thêm từ 20%-70% lương. Hy vọng chính sách ưu đãi này sẽ hút được cán bộ làm công tác y tế dự phòng.
Theo Nguyễn Thạnh
Người lao động