1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM: Hơn 71.000 ca đau mắt đỏ, khẩn trương xác định tác nhân gây bệnh

Hoàng Lê

(Dân trí) - Đến nay, TPHCM đã ghi nhận hơn 71.000 trường hợp bị đau mắt đỏ, tăng hàng chục ngàn ca so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngày 6/9, Sở Y tế TPHCM cho biết đang phối hợp với Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford (OUCRU) khẩn trương nghiên cứu, tìm chính xác tác nhân gây bệnh đau mắt đỏ trong giai đoạn hiện nay.

Trước đó, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã ký văn bản khẩn gửi UBND TPHCM báo cáo về dịch bệnh trên. 

Theo Sở Y tế, tổng số trường hợp đau mắt đỏ được ghi nhận đến nay tại TPHCM là 71.740 ca, gần đây có xu hướng tăng so với những tháng đầu năm. Khoảng 1/3 trường hợp là trẻ em ở tuổi đi học. Trong khi đó, 8 tháng đầu năm 2022, TPHCM chỉ có hơn 53.500 ca mắc bệnh trên.

Còn báo cáo của Bệnh viện Mắt TPHCM cho biết, những trường hợp viêm kết - giác mạc (một dạng lâm sàng nặng của bệnh đau mắt đỏ) đã được phát hiện trong thời gian qua, tuy chưa phổ biến. Đây là điều đáng lo ngại.

TPHCM: Hơn 71.000 ca đau mắt đỏ, khẩn trương xác định tác nhân gây bệnh - 1

Người dân chờ khám bệnh tại Bệnh viện Mắt TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Tại TPHCM, năm 2013 là năm mà số trường hợp đau mắt đỏ được ghi nhận cao nhất trong vòng 10 năm qua. Từ đó đến nay, số trường hợp đau mắt đỏ vẫn được ghi nhận hàng năm nhưng chỉ là những ca lẻ tẻ.

Đau mắt đỏ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, nếu xuất hiện các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí khó mở mắt, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm...

Nguyên nhân thường gặp là viêm kết mạc do virus Adenovirus, dễ lây lan qua đường tiếp xúc trực tiếp. Trong trường hợp này thì người mắc bệnh nên nghỉ ở nhà (từ 5-7 ngày), hạn chế tiếp xúc để tránh lây lan cho người khác.

Khi phát hiện có dấu hiệu đau mắt đỏ, cần đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, hướng dẫn và chăm sóc phù hợp. Trường hợp cần nghỉ làm, nghỉ học phải do bác sĩ chỉ định.

TPHCM: Hơn 71.000 ca đau mắt đỏ, khẩn trương xác định tác nhân gây bệnh - 2

Bệnh nhân khám mắt tại Bệnh viện Mắt TPHCM (Ảnh: BV).

Theo khuyến cáo của các chuyên gia mắt và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), có nhiều biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả để phòng chống lây lan bệnh đau mắt đỏ do virus.

Cụ thể là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như; vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường;

Người dân cũng cần sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh; hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh đau mắt đỏ; người bệnh, người nghi bị bệnh cần hạn chế tiếp xúc với người khác.

Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng. 

TPHCM: Hơn 71.000 ca đau mắt đỏ, khẩn trương xác định tác nhân gây bệnh - 3

Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời (Ảnh minh họa: BV).

Trước tình hình bệnh đau mắt đỏ nêu trên, ngoài phối hợp với OUCRU tìm tác nhân gây bệnh, Sở Y tế cũng có văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo để chủ động tăng cường phát hiện, hướng dẫn học sinh, phụ huynh cách phát hiện và phòng ngừa đau mắt đỏ.

Để phòng chống dịch bệnh đau mắt đỏ, Sở Y tế TPHCM cho biết sẽ triển khai nhiều giải pháp.

Thứ nhất, tăng cường truyền thông hướng dẫn người dân, giáo viên, phụ huynh học sinh về các dấu hiệu bệnh; khuyến cáo phòng ngừa lây lan, phân biệt với các bệnh lý về mắt khác; hướng dẫn chăm sóc tại nhà với các trường hợp nhẹ và các dấu hiệu chuyển nặng cần nhập viện.

Thứ hai, yêu cầu các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tiếp nhận và điều trị bệnh đau mắt đỏ. Trong đó, đặc biệt lưu ý dặn dò, tư vấn kỹ người bệnh và người thân về các dấu hiệu chuyển nặng, cần phải nhập viện và ghi rõ trong toa thuốc ngoại trú.

Thứ ba, yêu cầu các cơ sở y tế báo cáo nhanh khi có tình hình bệnh có diễn biến bất thường. Các đơn vị phải sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự, vật tư, thuốc điều trị và kế hoạch ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra.