1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM được dự đoán bùng dịch trong 3 tháng tới: Chuyên gia nói gì?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Nhiều chuyên gia cho rằng, chưa đủ căn cứ để dự đoán TPHCM có thể bùng dịch nặng nề trong vòng 3 tháng tới.

Gần đây, một nhóm nghiên cứu dưới sự theo dõi của Đơn vị mô hình hóa dịch tễ tại Đại học Monash (Úc) vừa phân tích và đưa ra dự báo, rằng TPHCM có thể bùng lên đợt dịch mới từ đây đến cuối tháng 3/2022.

Chiến dịch tiêm mũi 3 quyết định khả năng bùng dịch

Để có dự báo trên, nhóm nghiên cứu sử dụng ba dữ liệu (thu thập từ ngày 25/5 đến ngày 1/12) là số ca dương tính Covid-19 hằng ngày được Sở Y tế TP.HCM cung cấp; số giường bệnh nhân nặng đang được dùng; số ca tử vong hằng ngày.

Dù vậy theo nhóm nghiên cứu, các ước tính chỉ dựa vào giả định tạm thời, vì hiện chưa rõ độc lực và hiệu quả của vaccine hiện có với biến thể Omicron nên chưa đủ bằng chứng khoa học.

Nhận định về dự báo trên, PGS Dũng chia sẻ, ông chưa rõ phương pháp nghiên cứu của nhóm trên là gì nên không thể đánh giá về tính đúng sai hoàn toàn. Nhóm trên đặt ra nhiều giả định khác nhau, và Sở Y tế cũng đang có kế hoạch bàn bạc, thảo luận về các báo cáo này.

Với tình hình hiện tại của TPHCM, chuyên gia cho rằng vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến khả năng bùng dịch mới của địa phương là chiến dịch tiêm vaccine mũi 3 đã bắt đầu diễn ra.

"Nếu tiêm đủ, tiêm đúng, không bỏ sót, đúng đối tượng thì tình hình sẽ ổn hơn trước rất nhiều. Trước đây, có thể do chất lượng vaccine không đồng đều và vấn đề bảo quản tốt, ảnh hưởng đến vấn đề tạo kháng thể. Tiêm đợt một, đợt hai có thể còn một số sai sót, nhưng liên tục trong ba đợt thì khả năng sót rất hiếm" - PGS Dũng nói.

TPHCM được dự đoán bùng dịch trong 3 tháng tới: Chuyên gia nói gì? - 1

TPHCM đã bắt đầu chiến dịch tiêm vaccine mũi 3 (Ảnh: CTV).

Chuyên gia dẫn chứng về tình hình Indonesia khi thống kê chỉ ra rằng quốc gia này có dân số 270 triệu người nhưng thời gian gần đây, số ca tử vong chỉ dưới 10 người/ngày. PGS Dũng cho rằng, nhiều thông tin chỉ ra việc đã phủ được mũi 3 cho người cao tuổi, có bệnh nền nhiều mà quốc gia này hạn chế được số ca tử vong. Ấn Độ cũng kiểm soát được dịch bệnh vì lý do tương tự.

PGS Dũng cho rằng, chính sách bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao khi nhiễm Covid-19 mà Sở Y tế TPHCM ban hành là rất đúng đắn. Những người không thuộc nhóm nguy cơ cần đi điều trị, cách ly để giảm khả năng lây lan cho người trong nhà. Đồng thời các đối tượng nguy cơ, có bệnh nền, cao tuổi phải được ưu tiên vaccine và theo dõi sức khỏe, cấp thuốc Molnupiravir sớm nếu nhiễm bệnh.

Vaccine + 5K vẫn là giải pháp phòng bệnh

Đồng quan điểm với PGS Dũng, TS.BS Lê Thanh Toàn, Giảng viên khoa Y, Đại học Y Dược TPHCM, chuyên gia về Y học gia đình cho rằng, dự đoán TPHCM có thể bùng dịch trong 3 tháng tới là chưa đủ căn cứ khoa học. Theo đó, nhóm nghiên cứu chủ yếu dựa vào thông tin về biến chủng Omicron, tốc độ lây lan ở các khu vực và tính toán thời gian xâm nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên Omicron là chủng mới, chưa đầy đủ dữ liệu nên không thể nhận định chắc chắn.

Đứng về góc độ một người đang tham gia theo dõi chống dịch tại TPHCM, TS Toàn cho rằng số ca nhiễm bệnh và tỉ lệ nhiễm có dấu hiệu tăng sau khi TPHCM bắt đầu mở cửa là điều đã dự báo trước.

Tuy nhiên theo TS Toàn, nếu so số ca tử vong với tổng số ca mắc mới, tỉ lệ đã thấp hơn với thời điểm căng thẳng nhất. Ngoài ra, có những trường hợp nhập viện vì tâm lý lo sợ chứ không hẳn vì trở nặng.

TPHCM được dự đoán bùng dịch trong 3 tháng tới: Chuyên gia nói gì? - 2

Chuyên gia cho rằng chưa đủ cơ sở để nhận định TPHCM có thể sớm bùng phát đợt dịch mới hay không (Ảnh: Hoàng Lê).

Gần đây, một số chuyên gia truyền nhiễm hàng đầu tại Mỹ cũng cho biết, dù chủng Omicron có lan rộng nhưng nếu chích ngừa đầy đủ để đảm bảo kháng thể và tuân thủ 5K thì vẫn có khả năng phòng bệnh. "Tôi không nghĩ TPHCM sẽ lại có đợt bùng dịch nặng nề như đợt thứ tư vừa rồi" - TS.BS Toàn nhận định.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia truyền nhiễm, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) nói thêm, trước đây truyền thông đã lan truyền về một nghiên cứu dự báo cuối tháng 8/2020 TPHCM sẽ kết thúc đợt bùng dịch lần 4 nhưng kết quả đã sai. Vì vậy, nên cân nhắc việc có cần tham khảo dự đoán của nhóm nghiên cứu từ Úc lần này hay không.

Theo bác sĩ Khanh, mô hình toán học cần phải mang tính tự nhiên, trong khi dịch kéo dài hay ngắn phụ thuộc vào nhiều góc độ, trong có tác động từ việc phủ vaccine và can thiệp điều trị, biến chủng mới lành hay dữ… Do đó, không thể dựa vào các con số trên để tiên đoán được. Theo quan điểm cá nhân, chuyên gia nhận định dự báo trên nhiều khả năng không chính xác.