TPHCM dự kiến tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 từ tháng 11

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo kế hoạch tiêm chủng, dự kiến vào tháng 11-12, TPHCM sẽ tiêm nhắc mũi 3 vaccine Covid-19 cho nhóm nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Chiều 30/10, Hội nghị sơ kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 của ngành Y tế TPHCM - đợt dịch lần thứ 4 đã diễn ra tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, dưới sự chủ trì của Sở Y tế TPHCM.

6 tháng khốc liệt của 80.000 cán bộ tuyến đầu

Phó Giáo sư Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cảm ơn tất đã các lực lượng đã cùng TPHCM chung sức chống đại dịch Covid-19. Gần 6 tháng vừa qua, tổng cộng đã có hơn 80.000 cán bộ y tế tham gia chống dịch.

Trong đó có hơn 55.000 cán bộ, y bác sĩ từ các cơ sở y tế công lập, tư nhân trên địa bàn và 25.000 cán bộ của lực lượng chi viện trên cả nước. Tất cả đã cùng trải qua những thời khắc cam go, khốc liệt, đau thương và mất mát vô cùng lớn.

Từ ngày 1/10, tình hình dịch bệnh tại TPHCM có dấu hiệu giảm dần, với số tử vong từ đỉnh điểm là 340 người (ngày 23/8), giảm dần xuống 200 ca, 100 ca và thấp nhất là hôm kia (28/10) với 25 trường hợp. Tương ứng số ca tử vong giảm là số mắc mới, số trường hợp nặng và thở oxy giảm.

TPHCM dự kiến tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 từ tháng 11 - 1

Gần 6 tháng vừa qua, tổng cộng đã có hơn 80.000 cán bộ y tế tham gia chống dịch tại TPHCM (Ảnh: Hữu Khoa).

Hiện TPHCM còn 38.000 F0 đang cách ly điều trị. Trong đó theo dõi tại nhà là 60%, F0 tại bệnh viện chỉ chiếm 30%, tại cơ sở cách ly tập trung là 10%.
Theo ông Thượng, đỉnh dịch của TPHCM kéo dài hơn 2 tháng. Thành quả ngày hôm nay là sự đồng lòng chống dịch của người dân, sự chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ cho ngành y tế của thành phố.

"Xin gửi lời tri ân sâu sắc đến gia đình của các nhân viên y tế đã hi sinh, những hậu phương vững chắc giúp các y bác sĩ yên tâm chống dịch" - PGS Tăng Chí Thượng nói.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM thống kê, đến nay Thành phố đã có khoảng 905.424 người nhiễm Covid-19, hơn 810.000 người đã xuất viện, 21.910 ca tử vong.

Trong đợt bùng dịch thứ 4 tại TPHCM, ca đầu tiên ghi nhận là một người ở quận Bình Tân, từng tiếp xúc với người ở Hà Nam. Từ ca chỉ điểm này, ngày 2/5 ngành chức năng phát hiện 2 trường hợp nhiễm ở quận 7 và Thủ Đức.

Đây cũng là 2 trường hợp đầu tiên ghi nhận nhiễm biến chủng Delta. Đến ngày 27/5, Bệnh viện Nhân dân Gia Định phát hiện 3 trường hợp nhiễm, liên quan đến Hội truyền giáo Phục Hưng ở quận Gò Vấp. Từ đây, diễn tiến ra những chùm ca càng lúc càng nhanh.

Trong tháng 5/2021 TPHCM ở cấp độ 1. Đến tháng 6 tăng lên cấp độ 2, và lần lượt thành cấp độ 3, 4 vào các tháng 7 và tháng 8.

TPHCM đã thực hiện 4 giai đoạn giãn cách liên tục. Từ ngày 31/5 đến 18/6 thực hiện Chỉ thị 15 toàn thành, chỉ thị 16 ở Gò Vấp. Từ ngày 19/6 đến ngày 14/8 là Chỉ thị 16, và sau đó là Chỉ thị 16+.

TPHCM dự kiến tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 từ tháng 11 - 2

Bên trong Trung tâm Hồi sức Covid-19 do Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thiết lập (Ảnh: Hữu Khoa).

Về thu dung điều trị, lúc cao điểm Thành phố có 104.000 giường ở cả 3 tầng, trong đó có 4.600 giường hồi sức và hơn 8.126 điều dưỡng, 15.814 điều dưỡng, 1.500 KTV và hộ lý tham gia chăm sóc F0.

Đến cuối tháng 7, trước tình hình dịch căng thẳng, TPHCM đã xin chủ trương cho F0 cách ly tại nhà và đây là một trong những quyết định chống dịch đúng đắn. Tính đến ngày 28/10, đã có 195.977 F0 cách ly tại nhà khỏi bệnh.

Dù có nhiều thuận lợi, ông Vĩnh Châu nhìn nhận, Thành phố có nhiều hạn chế trong công tác chống dịch Covid-19.

Đầu tiên là công tác dự báo chưa theo kịp với diễn tiến dịch bệnh. Năng lực xét nghiệm chưa tương xứng với tốc độ lây lan của chủng Delta. Kế đến, việc triển khai chiến dịch tiêm vaccine quy mô lớn, trong thời gian ngắn nên chưa đảm bảo việc nhập liệu và giãn cách.

Vấn đề cách ly tập trung tất cả F0 cũng dẫn đến quá tải, gây áp lực cho F0. Hệ thống y tế và dự phòng chưa được đầu tư đúng mức gây quá tải và tăng nguy cơ tử vong. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin trong chống dịch chưa hiệu quả.

10 bài học chống dịch

Theo đánh giá trong tuần gần nhất, TPHCM đang ở cấp độ 2 dịch bệnh, xuất hiện thêm một số quận, huyện đạt cấp độ 1 (vùng xanh). Dù vậy nếu tính theo số ca mắc mới trong một tuần, TPHCM vẫn ở cấp độ 3 (nguy cơ cao). Do đó cần phải liên tục theo dõi, giám sát dịch, có quy trình xử lý F0 chặt chẽ tại cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh.

Về kế hoạch tiêm chủng, Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, dự kiến 2 tháng cuối năm 2021, Thành phố sẽ tiêm vét hai mũi cho tất cả trường hợp trên 18 tuổi. Đến cuối tháng 11 cũng sẽ tiêm xong 2 mũi cho trẻ từ 12-17 tuổi.

Đồng thời, TPHCM có kế hoạch tiêm nhắc mũi 3 vaccine Covid-19 cho nhóm nguy cơ cao, lực lượng tuyến đầu chống dịch vào tháng 11-12. Đến năm 2022, sẽ tiêm cho trẻ từ 3 tuổi trở lên và tiêm mũi 3, mũi 4 cho người đủ thời gian quy định của Bộ Y tế.

TPHCM dự kiến tiêm vaccine Covid-19 mũi 3 từ tháng 11 - 3

Tiêm vaccine cho học sinh lớp 12 tại TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Trải qua "cuộc chiến" chống Covid-19 đau thương, mất mát chưa từng có trong lịch sử, TPHCM rút ra 10 bài học kinh nghiệm chống dịch.

Thứ nhất, Lãnh đạo Thành phố chỉ đạo tập trung, huy động cả hệ thống chính trị và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các sở ban ngành, địa phương, đồng bộ với chiến lược "mỗi phường, xã, thị trấn là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ".

Thứ hai, xây dựng chặt chẽ hệ thống giám sát, cảnh báo dịch, các tình huống và kịch bản diễn tập tương ứng từng cấp độ dịch. Triển khai xét nghiệm trọng tâm, trọng điểm và thần tốc.

Thứ ba, cách ly F0 để ngăn chặn lây lan là cần thiết nhưng không nhất thiết phải cách ly tập trung.

Thứ tư, phát huy chiến lược điều trị theo 2 trụ cột chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng và điều trị tại bệnh viện. Triển khai mô hình "bệnh viện dã chiến 3 tầng" nhằm chăm sóc tốt nhất cho người bệnh.

Thứ năm, huy động mọi nguồn lực trong xã hội cho công tác phòng, chống dịch.

Thứ sáu, phát huy sự phối hợp hiệu quả của lực lượng quân đội, công an và Ngành Y tế.

Thứ bảy, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở.

Thứ tám, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo thu thập, tổng hợp và phân tích số liệu chính xác, kịp thời.

Thứ chín, vaccine là chiến dịch lâu dài, hàng đầu trong phòng chống dịch bệnh.

Và thứ mười, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực ứng dụng các công nghệ mới để giám sát, dự báo tình hình dịch bệnh, chăm sóc và điều trị F0 ở các tầng.