TPHCM đối mặt với nhiều dịch bệnh
(Dân trí) - BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự Phòng, cho biết: "Số ca sốt xuất huyết đang có chiều hướng giảm nhưng các đơn vị y tế vẫn cần chủ động và tích cực phòng bệnh vì mùa mưa sắp đến".
Sở yêu cầu các đơn vị y tế địa phương không được lơ là mà phải tăng cường xử lý các ổ dịch trong 3 tháng 3,4,5 cùng với chiến dịch làm sạch môi trường trong 2 tháng 3 và 4 để đón đầu và ngăn chặn dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát vào tháng 6/2009.
Hiện Bình Tân, Tân Phú, Bình Chánh là 3 quận trọng điểm có số ca sốt xuất huyết tăng hơn so với cùng kỳ. Riêng Q. Bình Tân có đến 5 phường có tỉ lệ người mắc bệnh cao: Bình Trị Đông (44 ca), Bình Hưng Hòa (35 ca), Bình Hưng Hòa A (21 ca), An Lạc (18 ca) và Tân Tạo (14 ca).
Riêng bệnh sởi, toàn thành phố hiện có 110 trường hợp, trong đó 70 ca dương tính với vi rút sởi. Đáng chú ý là những nơi chưa xác định được các ca bệnh lại là các địa phương bị mắc nhiều loại dịch bệnh như Q.8, Bình Tân, Bình Thạnh, Tân Bình…
Hiện, Q. Thủ Đức và Q.12 đang dẫn đầu số ca sởi/ sốt phát ban cao nhất trên toàn thành phố. Hiện bệnh sởi vẫn rải rác ở 11 quận huyện, do đó cần sớm phát hiện ổ bệnh để ngăn chặn, tránh phát triển thành dịch trong cộng đồng. Một trong những biện pháp phù hợp nhất lúc này là chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi cho 3 thành phần: tiêm vét (cho tất cả những trẻ từ 1 đến 6 tuổi chưa tiêm vaccine sởi, từ ngày 10/3 đến 10/4, ước tính khoảng 60.000 trẻ); tiêm chống dịch ngay tại ổ dịch, các nơi tập trung đông người có nguy cơ cao; tiêm cho những người tiếp xúc chưa miễn dịch, có nhiều nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.
Ngoài ra, các đơn vị y tế cần gấp rút thực hiện chiến dịch tổng vệ sinh môi trường tại địa phương trong tháng 3/2009. Theo Phó Giám đốc Sở y tế, ông Lê Trường Giang, chiến dịch này là điều kiện cần để có thể ngăn chặn nhiều loại dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, sởi, rubella, H5N1.
Ngọc Thanh