TPHCM có thể mua hơn 10 triệu liều vắc xin từ Mỹ nếu đàm phán thành công

Quốc Anh

(Dân trí) - TPHCM đang thúc đẩy đàm phán mua vắc xin từ Mỹ, nếu thuận lợi thì lô vắc xin đầu tiên sẽ được xuất sang Việt Nam vào tuần đầu tháng 9, bình quân 500.000 liều/tuần; sau đó mỗi tuần một triệu liều.

Văn phòng UBND TPHCM vừa phát thông báo truyền đạt kết luận của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức về buổi làm việc với Tổ công tác đàm phán và mua vắc xin phòng Covid-19 để nghe báo cáo việc kết nối nhập khẩu nguồn vắc xin từ đối tác Mỹ.

Theo đó, Sở Ngoại vụ phối hợp với Sở Y tế và Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (Sapharco), khẩn trương trao đổi với các đối tác để làm rõ một số nội dung liên quan đến nguồn gốc, thời hạn sử dụng và các vấn đề khác liên quan đến cung ứng vắc xin. Riêng Công ty Sapharco chủ động tìm kiếm nguồn vắc xin, đàm phán và báo cáo với UBND TPHCM kịp thời.

TPHCM có thể mua hơn 10 triệu liều vắc xin từ Mỹ nếu đàm phán thành công - 1

Tính đến 24/8, tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm là hơn 5,5 triệu, trong đó mũi 1 là hơn 5.346.000 mũi, mũi 2 là hơn 200.000. 

Trước đó, Sở Ngoại vụ đã chủ động đẩy mạnh hoạt động "ngoại giao vắc xin" bằng mọi biện pháp, qua nhiều kênh nhằm thúc đẩy viện trợ, kết nối nguồn mua, nhập khẩu vắc xin để đáp ứng yêu cầu tiêm nhanh nhất, nhiều nhất có thể, sớm đạt miễn dịch cộng đồng.

Theo Sở Ngoại vụ, chính sách vắc xin của Mỹ bắt đầu có những linh hoạt nhất định trong bối cảnh ở một số Bang xuất hiện tình trạng dư vắc xin (chủ yếu là Pfizer, Moderna, AstraZeneca và J&J). 

Trước tình trạng này, Chính phủ Mỹ và các Bang đang có chương trình giải quyết số lượng dư thừa trong kho dự trữ vì vắc xin có hạn sử dụng nhất định.

Tối 20/8, Sở Ngoại vụ đã phối hợp với Công ty Sapharco làm việc trực tuyến với Tập đoàn AASuccess, Inc. và Tập đoàn East West International, là liên doanh hợp tác với SAG (Hội Cựu binh lục chiến Mỹ).

SAG là tổ chức rất có uy tín với Chính phủ Mỹ và được cho phép xuất khẩu vắc xin dư thừa tại các Bang. Liên doanh này đã được SAG ủy quyền trao đổi chi tiết với TPHCM tại buổi họp.

Sở Ngoại vụ cho biết, hiện loại vắc xin nằm trong chương trình gồm Pfizer, Moderna, AstraZeneca và J&J. Tuy nhiên, phía Mỹ đang tập trung ưu tiên xử lý vắc xin Pfizer và Moderna.  

Theo Sở Ngoại vụ, nếu các bên thúc đẩy hợp đồng sớm thì lô vắc xin đầu tiên sẽ được xuất sang Việt Nam vào tuần đầu tháng 9, bình quân 500.000 liều/tuần. 

Từ tuần thứ 3 của tháng 9, bình quân mỗi tuần sẽ xuất sang Việt Nam một triệu liều. Dự kiến, đến tháng 12 có thể cung cấp 10-12 triệu liều nếu thành phố có nhu cầu.

Về quy trình, phía Mỹ sẽ cử sang thành phố 2-4 chuyên gia để khảo sát năng lực tiếp nhận, lưu trữ vắc xin. Sau đó các chuyên gia sẽ báo cáo ngay về Mỹ để tiến hành các bước tiếp theo.

TPHCM có thể mua hơn 10 triệu liều vắc xin từ Mỹ nếu đàm phán thành công - 2

nếu các bên thúc đẩy hợp đồng sớm thì lô vắc-xin đầu tiên sẽ được xuất sang Việt Nam vào tuần đầu tháng 9, bình quân 500.000 liều/tuần. Dự kiến, đến tháng 12 có thể cung cấp 10-12 triệu liều nếu thành phố có nhu cầu.

Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, tính đến 24/8, tổng số mũi vắc xin đã triển khai tiêm là hơn 5,5 triệu, trong đó mũi một là hơn 5.346.000, mũi 2 là hơn 200.000. Số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là hơn 561.000.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP, cho biết thành phố đã tiêm mũi một cho hơn 76% người dân trên 18 tuổi, 3,1% dân số đã tiêm đủ 2 mũi.

Ông Nam cho biết kế hoạch của thành phố là nhanh chóng phủ mũi một vắc xin. Ngoài ra, kế hoạch tiêm mũi 2 đã lồng vào kế hoạch tiêm mũi một, theo thời hạn khuyến cáo của nhà sản xuất.

Nếu người dân tiêm vắc xin ở đợt 4 bắt đầu từ ngày 21/6 thì theo hướng dẫn của nhà sản xuất, vắc xin AstraZeneca tiêm mũi 2 từ 8-12 tuần. Nhưng theo đánh giá, thời điểm sau 12 tuần là hiệu quả nhất, tạo kháng thể cao nhất. Theo đó, việc tiêm mũi 2 vắc xin này rơi vào giữa tháng 9. Tương tự, mũi 2 vắc xin Pfizer là từ 3-4 tuần, Moderna là 4 tuần và Vero Cell là 4 tuần.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm