TPHCM chưa tiêm vắc xin Vero Cell cho người dân

Trung Kiên

(Dân trí) - Theo HCDC TPHCM, Bộ Y tế vừa quyết định phân bổ thêm gần 980.000 nghìn liều vắc xin cho thành phố, nâng tổng số vắc xin được cấp trong 3 đợt gần nhất lên hơn 1,1 triệu liều.

Sáng 4/8, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) thông tin, trong khoảng 12 giờ qua, thành phố ghi nhận thêm 2.365 trường hợp mắc Covid-19, nâng tổng số ca bệnh đợt dịch thứ 4 lên hơn 104.500 ca.

Trong ngày 3/8, có 3.127 người xuất viện, nâng tổng ca mắc Covid-19 được điều trị lành bệnh đợt dịch thứ 4 là 40.973 trường hợp.

Theo HCDC, Bộ Y tế đã quyết định phân bổ thêm gần 980.000 nghìn liều vắc xin cho thành phố, nâng tổng số vắc xin được cấp trong 3 đợt gần nhất lên hơn 1,1 triệu liều. Ngoài ra, các viện, bệnh viện, đơn vị Trung ương tại TPHCM cũng được cấp 40.000 liều trong các đợt này để tiêm cho người dân trên địa bàn. 

TPHCM chưa tiêm vắc xin Vero Cell cho người dân - 1

Bộ Y tế đã quyết định phân bổ thêm gần 980.000 nghìn liều vắc xin cho TPHCM.

Đến nay, TPHCM là địa phương được phân bổ vắc xin nhiều nhất với hơn 4 triệu liều (bao gồm cả số lượng vắc xin phân bổ cho các Viện, Bệnh viện, đơn vị Trung ương trên địa bàn) với tỷ lệ phân bổ đạt 29%. 

Chiến dịch tiêm chủng đợt 5 đã kết thúc, TPHCM chính thức bước vào chiến dịch tiêm chủng đợt 6 và vẫn sử dụng 3 loại vắc xin AstraZeneca, Moderna và Pfizer để tiêm cho người dân.

Khi có sự thẩm định và cho phép lưu hành của Bộ Y tế, một triệu liều vắc xin Vero Cell mới được đưa vào tiêm chủng và dựa trên tinh thần tự nguyện của người dân. 

TPHCM chưa tiêm vắc xin Vero Cell cho người dân - 2

Dự kiến trong tháng 8/2021, TPHCM sẽ bao phủ vắc xin từ 70-80% cho người từ 18 tuổi trở lên (Ảnh: Nguyễn Quang).

Thành phố sẽ tiếp tục tìm nguồn cung ứng để cố gắng đạt mức vắc xin bao phủ 70-80% cho người từ 18 tuổi trở lên vào cuối tháng 8.

Bên cạnh đó, TPHCM đã thành lập Trung tâm tiếp nhận và cấp phát hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân theo ba cấp: cấp thành phố, cấp quận, huyện và phường, xã.

Trung tâm có 3 thành phần chính gồm: đội ngũ công nghệ thông tin và truyền thông để tuyên truyền; bộ phận tiếp nhận và điều phối nguồn hàng và bộ phận cấp phát trực tiếp đến tay người dân cần hỗ trợ.

Theo HCDC, tình hình dịch bệnh tại TPHCM đã có những chuyển biến tích cực, trong đó một phần là nhờ vào sự chung tay, đồng hành của người dân thông qua các mô hình tự quản, bảo vệ "vùng xanh".

Để tiếp tục kéo giảm số ca mắc, mở rộng "vùng xanh", mỗi người dân tiếp tục thực hiện tốt các quy định của Chỉ thị 16 và các biện pháp tăng cường, khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, quy định tại khu cách ly, khu phong tỏa, hạn chế tối đa tiếp xúc giữa người với người.