TPHCM chưa đáp ứng nhu cầu tầm soát bệnh bằng công nghệ cao cho người dân

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo Sở Y tế TPHCM, đến nay địa phương vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tầm soát sức khỏe và phát hiện sớm các bệnh nguy hiểm bằng công nghệ cao của người dân, nên rất cần góp ý để phát triển lĩnh vực này.

Ngày 6/2, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã ký công văn gửi đến Giám đốc các Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp và Sở Du lịch, về việc góp ý mô hình đầu tư cho Trung tâm tầm soát và chẩn đoán bệnh sớm bằng công nghệ cao.

Theo công văn, đến nay các bệnh viện trên địa bàn TPHCM đã không ngừng phát triển các kỹ thuật chuyên sâu thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Tuy nhiên, việc tầm soát sức khỏe và phát hiện sớm các bệnh nguy hiểm bằng công nghệ cao (như Trung tâm Kiểm tra sức khỏe Chợ Rẫy Việt Nhật - HECI) vẫn chưa đáp ứng nhu cầu về số lượng của người dân.

TPHCM chưa đáp ứng nhu cầu tầm soát bệnh bằng công nghệ cao cho người dân - 1

Người dân đến tầm soát, kiểm tra sức khỏe tại trung tâm Chợ Rẫy Việt Nhật - HECI (Ảnh: BV).

Do đó, việc thành lập và sớm đi vào hoạt động một trung tâm tầm soát và chẩn đoán bệnh sớm bằng công nghệ cao trên địa bàn không những đáp ứng mong đợi của người dân mà còn cung cấp thêm cho TPHCM một loại hình cung ứng dịch vụ du lịch y tế cho người dân trong khu vực các tỉnh, thành phía Nam và khu vực các nước ASEAN trong tương lại không xa.

Để có thể triển khai một trung tâm nêu trên, Sở Y tế TPHCM cho rằng cần có một số yêu cầu cơ bản. Thứ nhất, phải có quy hoạch đất để xây dựng mới cơ sở hạ tầng. Thứ hai, phải đầu tư các trang thiết bị mới, hiện đại giúp phát hiện sớm các bệnh (như ung thư, tim mạch).

Thứ ba, có nhân lực chuyên môn cao. Thứ tư, phải có sự nghiên cứu, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước về tổ chức, quản lý, vận hành trung tâm. Thứ năm, sự phối hợp chặt chẽ giữa trung tâm với các bệnh viện trong sử dụng nguồn nhân lực chuyên khoa sâu.

TPHCM chưa đáp ứng nhu cầu tầm soát bệnh bằng công nghệ cao cho người dân - 2

Nhu cầu tầm soát sức khỏe và phát hiện sớm các bệnh nguy hiểm bằng công nghệ cao của người dân rất thiết thực (Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy).

Sở Y tế nhận định, TPHCM có những lợi thế về đất xây dựng, đáp ứng được yêu cầu về nhân lực chuyên môn và sự phối hợp giữa trung tâm với các bệnh viện khi có cơ chế rõ ràng. Về chủ trương, chính sách và các cơ sở pháp lý cho việc hình thành trung tâm cơ bản đã có, mới nhất là Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tuy nhiên, việc huy động ngân sách hay huy động nguồn lực tư nhân cùng tham gia để xây dựng và đầu tư là vấn đề rất cần các Sở, ngành góp ý cho ngành Y tế, để có thể xây dựng đề án trình UBND TPHCM phê duyệt.

Vì vậy, vào ngày 10/2 tới, Sở Y tế TPHCM sẽ tổ chức buổi hội thảo về vấn đề trên, nhằm lắng nghe các ý kiến của các chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau và nghe nguyện vọng, ý kiến của các bệnh viện đầu ngành, một số nhà đầu tư. Đặc biệt là kiến nghị các cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực xã hội tham gia xây dựng một trung tâm y tế chuyên sâu của TPHCM ngang tầm các nước trong khu vực ASEAN.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm