TPHCM: Căn bệnh làm 820.000 người tử vong/năm có số ca mắc tăng báo động

Hoàng Lê

(Dân trí) - Tính đến tuần thứ 29, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM tiếp nhận điều trị 316 trường hợp mắc căn bệnh nguy hiểm ở gan, tăng hơn 3,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Thông tin trên được cho biết tại hội nghị khoa học "Bệnh nhiễm trùng, truyền nhiễm năm 2023 - Thách thức trong chẩn đoán và điều trị", vừa diễn ra ở TPHCM.

Nhiều bệnh truyền nhiễm có số ca mắc tăng

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, tính đến cuối tháng 7 năm nay, đơn vị đã tiếp nhận hơn 9.200 trường hợp nhiễm sốt xuất huyết và hơn 11.100 ca mắc tay chân miệng.

Số ca sốt xuất huyết giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022, nhưng số ca mắc tay chân miệng tăng hơn 11% cùng kỳ năm ngoái.

TPHCM: Căn bệnh làm 820.000 người tử vong/năm có số ca mắc tăng báo động - 1

Một trường hợp cháu bé bị tay chân miệng điều trị tại TPHCM (Ảnh: BV).

Kế đến, số bệnh nhân lao phổi cộng dồn từ đầu năm đến tháng 7 là 253 ca, gấp đôi thời điểm này năm ngoái (118 ca). Bác sĩ Dũng cho biết, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến công tác phòng chống bệnh lao bị ảnh hưởng.

Trong năm 2021, Việt Nam được xếp vào nhóm 10 nước có tần suất mắc bệnh lao cao nhưng số ca báo cáo lại thấp. Điều này dẫn đến nguồn lây phát tán và tỷ lệ tử vong tăng mạnh (năm 2021 gấp 135% so với năm 2020).

Số lượng bệnh nhân HIV nặng và tử vong 7 tháng đầu năm tại đơn vị cũng tăng.

Về bệnh uốn ván sơ sinh, sau nhiều tháng không ghi nhận ca mắc, thời gian gần đây Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM đã tiếp nhận 4 trẻ. Trong đó, có 2 trẻ ở Bình Phước và đều là người dân tộc thiểu số. Các bác sĩ nhận định, vẫn còn tình trạng không tiêm vaccine ngừa bệnh ở bà mẹ mang thai.

Đáng chú ý, số ca mắc viêm gan siêu vi B và C điều trị tại bệnh viện chuyên khoa truyền nhiễm đầu ngành khu vực phía Nam tăng mạnh. Theo đó, đến tháng 7, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã tiếp nhận điều trị 316 trường hợp mắc viêm gan B, gấp hơn 3,5 lần cùng kỳ năm 2022 (89 ca).

TPHCM: Căn bệnh làm 820.000 người tử vong/năm có số ca mắc tăng báo động - 2

Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Riêng tuần 29 (từ 16/7 đến 23/7), đơn vị tiếp nhận 33 ca mắc viêm gan B, tăng 560% trung bình ca bệnh của 4 tuần trước, nằm ở ngưỡng báo động đỏ. Số ca mắc viêm gan C cộng dồn đến tháng 7 là 69 trường hợp, tăng 1.050% so với 7 tháng đầu năm ngoái (6 ca).

820.000 người tử vong mỗi năm vì viêm gan B

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM chia sẻ, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có 1,1 triệu ca tử vong liên quan đến nhiễm virus HBV và HCV (gây viêm gan B, C). Trong đó, có 820.000 ca tử vong liên quan đến HBV.

TPHCM: Căn bệnh làm 820.000 người tử vong/năm có số ca mắc tăng báo động - 3

Một trường hợp bệnh nhân nhiễm viêm gan B (Ảnh: BS).

Đáng chú ý, chỉ khoảng 10% người nhiễm HBV mạn tính được chẩn đoán và 22 % trong số này được điều trị. Tỷ lệ trẻ em toàn cầu được tiêm vaccine ngừa viêm gan B sau sinh là 42%.

Nhiễm HCV cũng liên quan đến tỷ lệ sinh non và tử vong mẹ tại bệnh viện, do khiến các nguy cơ trong thai kỳ cao hơn. Khoảng 9,4 triệu người trên toàn cầu đang tiếp nhận điều trị viêm gan C (số liệu năm 2021).

Bác sĩ Hùng chia sẻ, hiện nay vẫn còn nhiều rào cản để Việt Nam thực hiện mục tiêu chiến lược loại trừ hai bệnh trên.

Đầu tiên là bất cập trong thanh toán bảo hiểm y tế và chính sách cung ứng trang thiết bị, sinh phẩm, thuốc điều trị. Nhiều người bệnh bị hạn chế tài chính và nhận thức, trong khi chi phí điều trị cao. Kế đến, nguồn lực điều trị cũng phân bố không đồng bộ, thiếu và yếu tại tuyến cơ sở, đa khoa.

Việc huấn luyện, đào tạo nguồn nhân lực phòng chống viêm gan siêu vi chưa đáp ứng; hoạt động nghiên cứu khoa học còn hạn chế. Ngoài ra vẫn chưa có hệ thống thông tin chiến lược về bệnh.

TPHCM: Căn bệnh làm 820.000 người tử vong/năm có số ca mắc tăng báo động - 4

Người dân thanh toán viện phí tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Từ thực tế trên, chuyên gia nhận định, để có thể loại trừ bệnh vào năm 2030 đòi hỏi sự quyết tâm và tập trung đầu tư từ nhiều nguồn, cả về chính sách, quản lý, chuyên môn lẫn việc truyền thông đến người bệnh.

Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm gan B và C của Bộ Y tế (ban hành các năm 2019 và 2021) hiện tại là cơ sở pháp lý và chuyên môn trong thực hành lâm sàng. Tuy nhiên cần bổ sung, cập nhật và theo sát thực tiễn Việt Nam, lưu ý đến sự chênh lệch giữa các tuyến.