TPHCM: 170 người lần đầu tiêm vaccine Covid-19 sau hơn 3 năm dịch

Hoàng Lê

(Dân trí) - Trong hơn 1 tháng, TPHCM đã vận động được 170 người thuộc nhóm nguy cơ đồng ý tiêm vaccine Covid-19 mũi 1. Hiện địa phương còn hơn 3.600 người nhóm nguy cơ đang quản lý chưa tiêm vaccine.

Sở Y tế TPHCM vừa công bố kết quả sau hơn 1 tháng kích hoạt lại "Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ" để phòng chống Covid-19.

Trước đó, TPHCM đã xuất hiện biến thể phụ XBB.1.5, đồng thời tình trạng miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19 bắt đầu có xu hướng giảm dần.

Với khả năng bùng phát dịch Covid-19 trở lại trên cả nước, UBND TPHCM đã chỉ đạo Ngành Y tế và các địa phương kích hoạt trở lại việc bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ mắc và nhiễm bệnh nặng.

Sau hơn 1 tháng kích hoạt chiến dịch (bắt đầu từ 19/4), TPHCM đã tiến hành rà soát và lập danh sách cho 165.645 người thuộc nhóm người nguy cơ (người trên 50 tuổi, người có bệnh nền). Qua đó, nâng tổng số người nguy cơ đang được quản lý đến thời điểm hiện tại là hơn 1.071.400 người.

Đồng thời, TPHCM đã triển khai tiêm cho hơn 19.300 người nguy cơ, vận động được 170 người chưa tiêm đi tiêm mũi 1, hàng trăm người tiêm mũi 2 và mũi bổ sung, hơn 4.400 người được tiêm mũi 3, hơn 14.100 người được tiêm mũi 4.

Hiện nay, TPHCM chỉ còn hơn 3.600 người thuộc nhóm nguy cơ đang được các địa phương quản lý chưa tiêm vaccine (chiếm 0,34%).

TPHCM: 170 người lần đầu tiêm vaccine Covid-19 sau hơn 3 năm dịch - 1

Nhân viên y tế khám sức khỏe, tiêm vaccine Covid-19 cho người cao tuổi tại nhà (Ảnh: Hoàng Lê).

Sở Y tế TPHCM cho biết, trong thời gian trên, địa phương đã tăng cường hoạt động truyền thông, tư vấn về chăm sóc sức khỏe cho người thuộc nhóm nguy cơ biết cách tự theo dõi sức khỏe, thực hiện tốt thông điệp 2K. Đặc biệt là đeo khẩu trang, hạn chế đến nơi tập trung đông người. 

Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cũng ban hành các tài liệu, sản phẩm truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, đưa ra những lưu ý giúp giảm nguy cơ diễn tiến nặng khi nhiễm Covid-19 cho người đang có bệnh nền, người cao tuổi, người thân hoặc người chăm sóc cho người thuộc nhóm nguy cơ. 

Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ tại TPHCM sẽ tiếp tục được thực hiện đến hết tháng 6.

TPHCM chỉ đạo khẩn tăng cường phòng chống tay chân miệng

Ngày 6/6, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đã ký văn bản khẩn về việc tăng cường phòng chống dịch bệnh tay chân miệng.

Theo đó, trong 2 tuần qua, số ca mắc tay chân miệng tại TPHCM tăng nhanh, đồng thời đã xuất hiện virus EV71 gây bệnh nặng. 

Vì vậy, để tăng cường phòng chống dịch bệnh, UBND TPHCM chỉ đạo Sở Y tế TPHCM chủ trì, phối hợp các sở ngành, UBND quận huyện, TP Thủ Đức triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trong đó, chú ý khu vực nguy cơ cao như điểm trông giữ trẻ, trường mầm non, tiểu học, khu dân cư, khu nhà trọ có nhiều trẻ em. Khi phát hiện ổ dịch cần xử lý kịp thời, hạn chế lây lan.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng cần được theo dõi sát để phát hiện sớm các dấu hiệu trở nặng. Đồng thời, phải chuẩn bị sẵn sàng việc thu dung, điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.

Các Sở Y tế, Sở Giáo dục - Đào tạo, Sở Thông tin - Truyền thông và các đơn vị liên quan cần phối hợp kiểm tra, xử lý, truyền thông công tác phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục và cộng đồng. Chỉ đạo HCDC theo dõi, giám sát việc cập nhật danh sách ca bệnh, ổ dịch đầy đủ, kịp thời.

Trước đó, các mẫu bệnh phẩm của 6 bệnh nhân tay chân miệng điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng 1 có kết quả xét nghiệm PCR dương tính với EV71 và đều có kiểu gen B5.

Với việc bệnh sốt xuất huyết sắp bước vào mùa cao điểm, HCDC nhận định, trong những tháng sắp tới TPHCM đứng trước nguy cơ dịch chồng dịch rất lớn, nếu không chủ động thực hiện các biện pháp kiểm soát cả 2 bệnh từ lúc này.