TPHCM: Bệnh viện kín giường can thiệp tim mùa Tết, bác sĩ cấp cứu xuyên đêm
(Dân trí) - Bác sĩ cảnh báo, đã có trường hợp bị nhồi máu cơ tim nhà ở sát bệnh viện nhưng gia đình không đưa đi cấp cứu ngay mà giữ ở nhà cạo gió giác hơi, khiến bệnh nhân vô phương cứu chữa.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Đỗ Anh, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) cho biết, nơi đây là tuyến cuối trong điều trị bệnh lý tim mạch nên nguồn bệnh chuyển vào rất đa dạng.
Kín giường, bác sĩ cấp cứu xuyên đêm
Bình thường lượng bệnh đã nhiều, nhưng trong thời điểm thời điểm giao mùa, chuyển lạnh như đầu xuân, cận Tết, số ca nhập viện vì nhồi máu cơ tim cấp, sốc tim, kể cả ngưng tim ngoại viện, xuất huyết não, nhồi máu não cấp… càng gia tăng.
Hiện tại, 31 giường của khoa Tim mạch can thiệp đều kín, có thời điểm bệnh nhân còn phải nằm băng ca tăng cường. Ghi nhận trong ngày 7/2 (tức 28 tháng Chạp âm lịch), các y bác sĩ tại đây phải xử trí cho bệnh nhân từ sáng đến 21h.
"Khi anh em vừa về lại có các ca nặng khác vào, phải huy động trở lại để can thiệp cấp cứu từ nửa đêm rải rác đến 5 giờ sáng 29 Tết", bác sĩ Đỗ Anh thông tin.
Đáng chú ý, có những trường hợp nhập viện muộn, biến chứng nặng và hoàn cảnh rất khó khăn.
Điển hình như trường hợp của ông N.V.T. (62 tuổi), làm nghề chạy xe ôm, có tiền sử mổ tim và van tim cách đây 5 năm. Một buổi chiều đầu tháng 2 (cách nhập viện 30 phút), ông đang ở nhà thì bất ngờ vật vã khó thở, được đưa vào cấp cứu vì mạch và huyết áp không đo được.
Tại bệnh viện, người đàn ông được chẩn đoán sốc tim. Các bác sĩ nhanh chóng xử trí cấp cứu đặt nội khí quản, thở máy, tái thông động mạch vành bằng thuốc. Sau 1 ngày nằm viện, bệnh nhân xuất hiện tình trạng xuất huyết tiêu hóa và tái sốc tim.
Các bác sĩ cho biết, tổn thương cơ tim là hậu quả vĩnh viễn, nên dù được điều trị tích cực, bệnh nhân vẫn hôn mê, tính mạng nguy kịch. Ngoài ra vì phải dùng các biện pháp can thiệp chuyên sâu, nên dù có bảo hiểm y tế (BHYT), nhưng chi phí điều trị của bệnh nhân vẫn khá lớn.
Một trường hợp khác là anh K. (48 tuổi), không có thân nhân, sống nương tựa vào một ngôi chùa. Cuối tháng 1, bệnh nhân được nhà chùa đưa đến bệnh viện tuyến quận ở TPHCM cấp cứu, sau đó chuyển sang tuyến trên trong tình trạng suy tim cấp.
Xét thấy bệnh nhân còn trong độ tuổi lao động, các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định quyết định can thiệp mạch vành, đặt stent dù chi phí rất cao và bệnh nhân không có tiền lẫn BHYT. Hậu can thiệp, người đàn ông được chăm sóc tích cực.
Sai lầm khiến bệnh nhân "vô phương cứu chữa"
Bác sĩ Nguyễn Đỗ Anh cho biết, bằng sự nỗ lực hết mình, đến nay bệnh viện đã huy động được 2 quỹ "Giờ vàng" để san sẻ cho những bệnh nhân nghèo. Tuy nhiên vì kinh phí có hạn, nguồn quỹ trên chỉ giải quyết được một số trường hợp cấp bách. Do đó, rất cần có thêm những nhà hảo tâm chung tay góp sức.
Thạc sĩ, bác sĩ Châu Đỗ Trường Sơn, Phó trưởng khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, 1 tháng trở lại đây, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 5-7 ca nhồi máu cơ tim, tăng 20-30% so với giai đoạn trước đó. Nhiều trường hợp trước khi vào viện đã ngưng tim, ngưng thở.
Bác sĩ Sơn chia sẻ, khi bệnh nhân vào viện nhanh và được can thiệp mạch vành sớm thì tiên lượng sống sẽ tốt hơn. Ngược lại, bệnh nhân sẽ để lại di chứng suy tim không hồi phục, rối loạn nhịp tim, tính mạng có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào và ảnh hưởng nặng nề về chất lượng cuộc sống.
"Bệnh nhân sau khi xuất viện phải uống thuốc suốt đời và tuân thủ chế độ điều trị và thay đổi lối sống, sinh hoạt. Khi đã gặp di chứng, kể cả khi ngồi, nằm, ăn uống, họ đều cảm thấy mệt, khó thở. Ngoài ra, gánh nặng viện phí là rất lớn. Có những trường hợp nằm viện hơn 1 tháng, tốn hàng trăm triệu đồng", bác sĩ Sơn dẫn chứng.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân nếu có tiền căn tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá, suy tim, bệnh mạch vành... mà đột ngột đau ngực, khó thở, hoa mắt chóng mặt hoặc ngất, yếu liệt, nói đớ, giảm tri giác... cần được đưa đến bệnh viện sớm.
Đặc biệt, tuyệt đối tránh những biện pháp dân gian như cạo gió giác hơi, vắt chanh vào miệng, cắt lể đầu ngón tay... vì có thể làm trễ giờ vàng điều trị. "Đã có trường hợp ở sát bệnh viện nhưng không đưa vào ngay mà giữ ở nhà cạo gió giác hơi, khiến bệnh nhân vô phương cứu chữa", bác sĩ Đỗ Anh dẫn chứng.