Đang xem ti vi, người đàn ông bỗng tím tái, 2 lần dùng "thuốc hồi dương"

Hoàng Lê

(Dân trí) - Khi đang xem ti vi, người đàn ông đột ngột tím tái rồi lâm dần vào hôn mê nguy kịch. Tại bệnh viện, bệnh nhân được sử dụng khoảng 30 ống "thuốc hồi dương" vì 2 lần ngưng tim.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thiên Hào, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM) cho biết, những ngày gần đây, đơn vị đã cứu sống một trường hợp có 2 lần ngưng tim.

Bệnh nhân là ông L.C.S. (65 tuổi, ngụ quận 11, TPHCM). Khai thác bệnh sử, sáng 17/1 khi đang ngồi xem ti vi, ông S. đột ngột gồng người tím tái, sau đó hôn mê. Thời điểm được gia đình đưa vào bệnh viện (9h40 cùng ngày), người đàn ông đã trong tình trạng mê sâu, tím tái toàn thân, mạch và huyết áp bằng 0, chẩn đoán ban đầu là ngưng tim, ngưng thở ngoại viện.

Đang xem ti vi, người đàn ông bỗng tím tái, 2 lần dùng thuốc hồi dương - 1

Khoa Tim mạch, Bệnh viện Trưng Vương TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Các bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản, xoa bóp tim, dùng hơn 10 ống "thuốc hồi dương" (thuốc trợ tim adrenaline) cho bệnh nhân. Khoảng 30 phút sau, bệnh nhân có mạch huyết áp trở lại, nhưng vẫn còn mê sâu. Và thêm 10 phút trôi qua, bệnh nhân lại ngưng tim lần 2.

Lúc này, ekip điều trị tiếp tục tiêm tĩnh mạch 20 ống "thuốc hồi dương" (mỗi 3 phút 1 ống) kết hợp xoa bóp tim, sốc điện, bơm tiêm điện, dùng thuốc vận mạch cho người đàn ông. Nhờ sự cứu chữa tích cực, gần 11h cùng ngày, ekip điều trị đã lấy lại được nhịp tim và hơi thở cho bệnh nhân.

Đang xem ti vi, người đàn ông bỗng tím tái, 2 lần dùng thuốc hồi dương - 2

Ông S. qua cơn nguy kịch, phục hồi sức khỏe sau khi được can thiệp nội mạch và điều trị tích cực tại Bệnh viện Trưng Vương (Ảnh: TH).

Lúc này, các bác sĩ tiến hành hội chẩn nội viện, chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp. 14h chiều cùng ngày, bệnh nhân được can thiệp nội mạch, kéo dài khoảng 45 phút.

Sau can thiệp, bệnh nhân được chuyển về khoa Hồi sức tích cực (ICU) tiếp tục thở máy, dùng thuốc an thần và 2 loại thuốc vận mạch, cùng các thuốc điều trị tim mạch, nhiễm trùng.

Bệnh nhân được rút nội khí quản, cai vận mạch sau 3 ngày điều trị hồi sức. Đến nay, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, đi lại bình thường, không để lại di chứng.

Dựa trên kết quả chụp động mạch, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị tắc động mạch lớn nhất nuôi tim, hẹp nặng 2 nhánh còn lại. Đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim nặng nề.

Theo bác sĩ Thiên Hào, trong thời điểm giao mùa chuyển lạnh, số lượng ca cấp cứu bị nhồi máu cơ tim vào điều trị tại Bệnh viện Trưng Vương có sự gia tăng. Tuần giữa tháng 1, khoa Tim mạch đã tiếp nhận 6 ca nhồi máu cơ tim. Có đêm, các bác sĩ phải cấp cứu đến 3 trường hợp nhồi máu cơ tim thể nặng.

Một thống kê ở Mỹ cho thấy, tỷ lệ tử vong của những ca ngưng tim, ngưng thở ngoại viện là 60-80%. Còn theo nghiên cứu tại Đài Loan, bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở dù được đưa đến được bệnh viện sớm thì tỷ lệ sống còn cũng chỉ khoảng 40%.

Đang xem ti vi, người đàn ông bỗng tím tái, 2 lần dùng thuốc hồi dương - 3

Bác sĩ khuyến cáo, nếu người dân bị đau ngực trên 10 phút nên tìm cách đến bệnh viện ngay để được chẩn đoán và điều trị sớm (Ảnh: Hoàng Lê).

Do đó, phòng ngừa là biện pháp tốt nhất để cứu bệnh nhân, như không hút thuốc lá (chủ yếu), kiểm soát các yếu tố nguy cơ như đái tháo đường, mỡ máu, béo phì, tăng huyết áp...

Bác sĩ khuyến cáo, nếu người dân bị đau ngực trên 10 phút nên tìm cách đến bệnh viện ngay để được chẩn đoán và điều trị sớm. Ngoài ra, nên vận động, tập luyện thể dục thể thao điều độ, ăn nhiều rau củ quả.

"Từ giờ đến dịp Tết Nguyên đán, khi thời tiết trở lạnh, số ca nhồi máu cơ tim có thể gia tăng thêm", bác sĩ Thiên Hào dự báo.