TPHCM: Bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh theo mùa mưa

(Dân trí) - Bước vào mùa mưa, bệnh sốt xuất huyết đang tăng nhanh trên địa bàn thành phố, số bệnh nhân nhập viện từ đầu năm đến nay lên tới hơn 5.000 ca. Nguyên nhân của tình trạng trên là do dịch bệnh gia tăng theo mùa nhưng công tác phòng chống chưa thực hiện tốt.

Thông tin từ BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố (ngày 1/7) cho biết, bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn đang gia tăng nhanh.

Số bệnh nhân nhập viện được ghi nhận trong tháng 6/2015 là 519 ca, tăng 20% so với tháng 5 (433 ca). Cộng dồn từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 5.025 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, bệnh đã tăng 39% so với cùng kỳ năm 2014 (3.602 ca).

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới
Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới

Bệnh sốt xuất huyết đang tập trung tại các quận huyện gồm: Thủ Đức, quận 3, quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh… Quận Thủ Đức trở thành điểm nóng của sốt xuất huyết khi có tới 7 phường xã xuất hiện ổ dịch. Trước tình hình trên, Trung tâm Y tế Dự phòng quận huyện đã tổ chức chiến dịch giám sát sốt xuất huyết, xử lý ổ dịch, tiêu diệt lăng quăng và muỗi truyền bệnh.

Theo BS Trí Dũng, công tác dự phòng đang gặp khó khăn do nhiều hộ gia đình không hợp tác trong việc phun hóa chất diệt muỗi, việc xử lý ổ dịch chưa triệt để, lăng quăng vẫn còn tồn tại ở các vườn trồng cây cảnh, dụng cụ chứa nước sinh hoạt, vật dụng phế thải, công trình xây dựng… nên số ca bệnh mới vẫn tiếp tục xuất hiện tại ổ dịch cũ.

Sốt xuất huyết chưa có vắc xin dự phòng và thuốc điều trị đặc hiệu, để tránh nguy cơ mắc bệnh giải pháp hiệu quả nhất hiện nay là thực hiện triệt để các phương án dự phòng. Ngành Y tế kêu gọi, vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng động, mỗi người, mỗi nhà hãy dành 10 phút mỗi tuần để tìm diệt lăng quăng, muỗi gây bệnh sốt xuất huyết.

Muỗi sốt xuất huyết sinh sản trong môi trường nước sạch, người dân nên thường xuyên thau rửa, đậy kín nắp các lu, khạp, bể chứa nước; thả cả vào bể nước để tiêu diệt lăng quăng; thường xuyên thay nước các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên; lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng đến; phối hợp cùng ngành y tế trong việc phun hóa chất diệt muỗi… để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết không còn chỗ sinh sản, phát triển.

Vân Sơn