TPHCM: Bé trai 2 tuổi lâm nguy sau khi ăn cháo cá lóc ngày Tết

Hoàng Lê

(Dân trí) - Sau khi bé trai 2 tuổi ăn cháo cá lóc, người nhà phát hiện bệnh nhi đột ngột nôn ói, tím tái khó thở nên tức tốc đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Đó là trường hợp của bé L.P.A. (2 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM). Trưa mùng 4 tết (13/2), bé A. nhập Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) trong tình trạng bứt rứt, quấy khóc, miệng nhiều đàm nhớt.

Khai thác bệnh sử, cách nhập viện một giờ, trẻ được gia đình cho ăn cháo cá lóc. Sau đó, bé đột ngột ho, sặc sụa, nôn ói, tím tái. Phát hiện sự việc, người nhà lập tức bồng đưa bé đi cấp cứu.

TPHCM: Bé trai 2 tuổi lâm nguy sau khi ăn cháo cá lóc ngày Tết - 1

Dị vật là chiếc xương cá lóc mà bé trai nuốt phải (Ảnh: BV).

Tại bệnh viện, trẻ biểu hiện khó thở, nhiều đàm nhớt, nôn ói, không bú và không uống nước. Bệnh nhi được chụp X-quang cổ, ngực, phát hiện một mảnh dị vật ở đầu trên thực quản. Ảnh CT scan ghi nhận dị vật nằm trong mô mềm giữa thực quản - khí quản.

Ngay lập tức, bé được hội chẩn phối hợp chuyên khoa Tiêu hóa và Tai mũi họng, nội soi gắp ra một dị vật là mảnh xương cá kích thước lớn. Sau can thiệp, trẻ hết khó thở và đã tỉnh táo.

Trước đó vào ngày 8/2, một bé trai 9 tuổi, quê tỉnh Kiên Giang ngậm kèn đồ chơi rồi nuốt vào bụng, gây ho và nôn ói. Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, ekip điều trị phải dùng kiềm lấy dị vật bít gần hết phế quản, sau đó chuyển bé vào khoa Hồi sức ngoại điều trị tích cực, truyền dịch, dùng kháng sinh.

TPHCM: Bé trai 2 tuổi lâm nguy sau khi ăn cháo cá lóc ngày Tết - 2

Dị vật là chiếc kèn trong cơ thể bé trai 9 tuổi (Ảnh: BV).

Qua các trường hợp trên, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố khuyến cáo, cha mẹ không cho con em chơi những đồ vật nhỏ tháo ráp được, ăn các thức ăn đã lấy hạt, xương… và luôn có người giữ, chăm sóc và theo dõi trẻ dưới 3 tuổi.

Khi uống thuốc, cha mẹ cần cho con dùng sirô hoặc thuốc bột pha, tránh dùng thuốc viên.

"Phụ huynh cần nhắc nhở các trẻ khi ăn uống, không được làm việc khác, như vừa ăn vừa cười giỡn, hay ăn vội vã để làm một việc gì đó… để tránh nguy cơ hít thức ăn vào đường thở", bác sĩ Tiến hướng dẫn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm