TPHCM: 29 ca tử vong vì sốt xuất huyết, 75% là người lớn

Hoàng Lê

(Dân trí) - TPHCM vừa ghi nhận thêm 3 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, nâng tổng số ca tử vong lên 29 trường hợp, tăng cao so với các năm trước đây. Trong đó, khoảng 75% số trường hợp tử vong là người lớn.

Ngày 21/1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đã thông tin về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng tại địa phương cập nhật đến tuần 42.

Theo đó, số ca mắc sốt xuất huyết Dengue (SXH) trong tuần 42 (từ ngày 10/10 đến ngày 16/10) giảm 23,4% so với trung bình 4 tuần trước, tuy nhiên vẫn đang ở mức cao so với cùng kỳ các năm.

Đáng chú ý, trong tuần TPHCM ghi nhận thêm 3 trường hợp tử vong tại quận Bình Tân và TP Thủ Đức, nâng tổng số ca tử vong vì SXH từ đầu năm đến nay tại địa phương là 29 trường hợp, tăng cao so với các năm trước đây và tăng 24 ca so với cùng kỳ năm 2021.

Tính đến tuần 42, TPHCM ghi nhận gần 66.700 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng hơn 7 lần với cùng kỳ năm 2021, với số ca sốt xuất huyết nặng là 1.477 ca. Tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc là 2,2%, tăng hơn 3,6 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Chỉ tính riêng tuần 42, TP ghi nhận thêm gần 2.000 ca bệnh SXH, giảm 23,4% so với trung bình 4 tuần trước. Số ca bệnh nội trú và ngoại trú giảm lần lượt là hơn 35% và 13%. Địa phương cũng ghi nhận 113 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 76 phường, xã thuộc 18/22 quận huyện và TP Thủ Đức, tăng 5 ổ dịch mới so với tuần 41.

TPHCM: 29 ca tử vong vì sốt xuất huyết, 75% là người lớn - 1

Phụ huynh đưa con đi điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Tổng số ổ dịch được xử lý phun hóa chất trong tuần là 210 ổ dịch và có 03 phường, xã xử lý ổ dịch diện rộng. Có tổng cộng 269 lượt thực hiện diệt lăng quăng tại các ổ dịch, các điểm nguy cơ tại 127 phường, xã thuộc 21/22 quận huyện, thành phố Thủ Đức.

Về tình hình dịch tay chân miệng, tính đến tuần 42, TPHCM ghi nhận tổng cộng gần 16.200 trường hợp mắc bệnh. Trong tuần, TPHCM có thêm 432 ca tay chân miệng, giảm 14,6% so với trung bình 4 tuần trước đó nhưng tăng các trường hợp nhập viện điều trị nội trú.

HCDC cảnh báo, hiện nay, khoảng 75% số trường hợp tử vong do SXH là người lớn. Có những trường hợp đến bệnh viện trễ khiến gia tăng nguy cơ tử vong do không được can thiệp điều trị kịp thời.

Do đó, ngành y tế khuyến cáo, khi có dấu hiệu sốt cao 39-40 độ C, sốt đột ngột, liên tục, cần đi khám bệnh để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc điều trị phù hợp. Trong quá trình điều trị bệnh SXH tại nhà, người chăm sóc lẫn bệnh nhân cần lưu ý các dấu hiệu bệnh chuyển nặng để nhanh chóng đến bệnh viện.

Đối với bệnh SXH, khi hạ sốt thì càng cần phải theo dõi sát để kịp thời phát hiện dấu hiệu chuyển nặng.

Trước tình hình dịch bệnh SXH vẫn còn phức tạp, sau 13 lần họp rút kinh nghiệm trong quá trình tiếp nhận, chăm sóc, điều trị các trường hợp tử vong, Sở Y tế TPHCM nhận thấy, việc phối hợp hội chẩn liên viện hiệu quả và chuyển viện an toàn là một trong những giải pháp quan trọng để giảm tử vong đến mức thấp nhất.

Do đó, Sở Y tế đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn TPHCM nghiêm túc khẩn trương triển khai thực hiện 2 nội dung.

Thứ nhất, tuyệt đối tuân thủ chỉ định trong của Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành năm 2019.

Thứ hai, tuyệt đối tuân thủ phân tầng quản lý điều trị người bệnh SXH của Sở Y tế, tuân thủ nguyên tắc phối hợp giữa các tầng, đảm bảo chuyển viện an toàn, người bệnh tiếp tục được cấp cứu kịp thời ở tầng sau.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm