TP HCM: Sốt xuất huyết tấn công người lớn
Không còn là bệnh nguy hiểm với trẻ em, sốt xuất huyết đang “tấn công” cả người lớn. Có lo ngại về khả năng vi rút gây bệnh đang biến dạng, làm xuất hiện một type vi rút mới.
Tại các khoa nhiễm của bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, nơi tập trung chữa sốt xuất huyết (SXH) cho người lớn, bệnh nhân SXH đã nằm kín các phòng, tràn ra cả hành lang.
Bệnh viện quá tải
Ngồi ngoài hành lang khoa nhiễm C của bệnh viện Bệnh nhiệt đới, chị T.A mệt mỏi cho biết đầu tuần trước chị sốt cao, nhức đầu dữ dội, toàn thân rã rời… Thấy nguy kịch, gia đình đưa chị vào bệnh viện Tân Bình cấp cứu, rồi tá hoả khi nghe bác sĩ chẩn đoán chị bị SXH nặng. Chị T.A được chuyển ngay đến bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Một tuần nằm viện, chị sút 3 - 4kg. Phần lớn bệnh nhân cùng phòng với chị cũng bị SXH.
Bệnh viện giờ quá tải nên hai bệnh nhân phải chung nhau một giường nhưng vẫn không đủ chỗ. Khoa nhiễm D (khu vực dành cho bệnh nhân nam) cũng đang vượt mức “bão hoà”.
Theo TS. BS Trần Tịnh Hiền, Phó giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 30 - 40 bệnh nhân SXH nhập viện. Ngày cao điểm có đến hơn 150 bệnh nhân SXH nằm viện. Thống kê của bệnh viện này cho thấy tỷ lệ bệnh nhân nhiễm SXH có dấu hiệu tăng dần theo từng năm. Đến thời điểm này, số ca nhiễm SXH đã tăng gần gấp ba năm ngoái. Trong đó, bệnh nhân SXH người lớn chiếm đến 70% (với hơn 6.700 bệnh nhân đến khám và điều trị).
Sốt xuất huyết kiểu... đô thị
BS Nguyễn Văn Châu, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết vài năm gần đây SXH diễn biến phức tạp. Trong khi SXH được kiểm soát tốt tại các quận, huyện ngoại thành thì tại các quận nội thành lại xuất hiện nhiều ổ dịch mới như Q.6, Q.8, Q.11, Q.Tân Bình…
Theo diễn biến của dịch vài năm qua, đang có dấu hiệu hình thành dịch SXH đô thị tập trung vào người lớn. Tại các nước lân cận như Thái Lan, Singapore, cũng đang xảy ra tình trạng tương tự. Thống kê tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho thấy tỷ lệ SXH ở người lớn trong năm 1991 chỉ 14%, nhưng đến năm 2006 là 50,1%. Năm 2008, tỷ lệ này tăng 30% so với năm 2006. Đã xuất hiện diễn biến lâm sàng mới.
Theo BS Trần Tịnh Hiền, SXH ở người lớn rất khác SXH ở trẻ em. Bệnh ở người lớn thường kèm theo các triệu chứng ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá khá rõ như: ói mửa, tiêu chảy… Ở những trường hợp nặng, SXH người lớn còn gây xuất huyết nặng dưới da, xuất huyết âm đạo (đối với phụ nữ), xuất huyết tiêu hoá, xuất huyết kết mạc, chảy máu răng, mũi… Đặc biệt, có những dấu hiệu lâm sàng trước nay ít thấy như: viêm cơ tim, tiểu ra máu, tăng men gan…
Nhiều cơ quan y tế không loại trừ khả năng các type vi rút Dengue (vi rút gây SXH) đang biến đổi, làm xuất hiện một type vi rút Dengue mới. Vẫn chưa có kết luận chính thức từ các nghiên cứu dịch tễ học, nhưng theo các chuyên gia y tế, những diễn biến mới có thể do các ảnh hưởng của biến đổi môi trường.
TP Hồ Chí Minh: sốt xuất huyết tăng 35%
Tính đến cuối tháng 11/2008 đã có 13.972 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên toàn TPHCM, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2007. Trong đó, đã có 10 ca tử vong so với 12 ca tử vong trong năm 2007. Toàn thành phố có 153 phường xã vẫn chưa làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh SXH và số ca mắc SXH tại 153 phường xã này đều tăng.
Theo BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc TT Y tế Dự Phòng TP HCM, tình hình dịch bệnh SXH trong tháng 11 có phần diễn biến khá đặc biệt. Đầu tháng 11/2008, số ca SXH đang có chiều hướng giảm dần thì đột ngột tuần cuối tháng tăng đột biến trên 54% so với những ngày đầu tháng, gây ra 2 ca tử vong.
Có đến 5 quận nội thành có số ca mắc SXH tăng cao cách đột biến gồm Q.1, Q.6, Q.8, Q.10, Q.11, như tại phường Cầu Kho, Q.1 số ca mắc SXH cuối tháng 11/2008 là 76 tăng 25 ca. Các quận-huyện ngoại thành hiện vẫn có số ca mắc SXH cao gồm Q. Tân Bình, Q.Tân Phú và Q. Bình Tân.
BS Thọ yêu cầu các TTYTDP Quận, huyện cần có kế hoạch cụ thể trong việc phòng chống dịch bệnh SXH lan tràn. Cũng theo ông Thọ, do các địa phương không xử lý triệt để, không diệt tận gốc ổ dịch cũ lại phát sinh thêm ổ dịch mới nên mới xảy ra tình trạng trên.
Đối với dịch bệnh Tay Chân Miệng (TCM), tính đến cuối tháng 11/2008 tăng 6% so với cùng kỳ năm 2007. Nhưng theo BS Thọ, dich bệnh TCM hiện đang giảm và sẽ tiếp tục giảm đến tháng 1/2009, dự kiến đến khoảng tháng 2/2009 có thể sẽ tăng lại do vào chu kỳ của dịch bệnh.
Nhưng theo BS CK II Trịnh Hữu Tùng, Phó phòng Kế hoạch Tổng hợp BV NĐ 2 thì: “Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong nhiều năm qua, những tháng cuối năm, mùa lạnh cũng là mùa dịch của bệnh tay chân miệng”.
Ngọc Thanh |
Theo Mai Anh
Sài Gòn tiếp thị