1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Top 10 câu hỏi về bệnh viêm tai ở trẻ em

(Dân trí) - Hầu như đứa trẻ nào cũng bị viêm tai một lần trong đời. Vậy tuổi nào dễ bị viêm tai? Có cần cho trẻ uống kháng sinh? Cách phòng tránh?.... Tất cả sẽ được giải đáp ngắn gọn và khoa học từ các chuyên gia Nhi khoa Hoa Kỳ.

1. Viêm tai tác động lớn nhất đến phần nào của tai?

 

Tai giữa.

 

Hầu hết các loại viêm tai đều tập trung chủ yếu ở vùng giữa tai, ngay sau màng nhĩ.

 

2. Trẻ thường bị viêm tai nhất ở tuổi nào?

 

Trước  3 tuổi

 

Viêm tai giữa rất phổ biến ở trẻ dưới 3 tuổi. Trên thực tế, cứ 3 – 4 trẻ sẽ có ít nhất 1 lần bị viêm tai giữa trước tuổi lên 3.

 

3. Tại sao trẻ lại bị viêm tai giữa nhiều hơn người lớn?

 

Vòi nhĩ của trẻ chưa hoàn chỉnh, lúc này vẫn thông với mũi nên rất dễ bị tắc nghẹt do chất nhầy trong mũi chuyển sang.

 

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, vòi nhĩ (vòi Ơ-xtat, nối hòm tai và họng mũi) ngắn hơn, khẩu kính lớn hơn ở người lớn nên vi trùng và các chất xuất tiết ở mũi họng rất dễ lan lên tai giữa, nhất là khi em bé nằm ngửa thì tai sẽ ở vị trí thấp hơn mũi họng. Nếu em bé khóc, vòi nhĩ sẽ mở rộng thêm làm cho các chất xuất tiết ở mũi họng theo đó chảy vào hòm tai.

 

4. Viêm tai có dễ lây không?

 

Không.

 

Viêm tai giữa hoàn toàn không lây nhưng cảm lạnh và các bệnh viêm nhiễm khác sẽ gây ra chứng bệnh này.

 

Khi trẻ bị cảm lạnh, các chất dịch và nước nhầy có thể xâm nhập vào tai giữa qua mũi. Nếu vòi nhĩ mở rộng thì không khí và chất lỏng sẽ lập tức lấp đầy tai, giống như một cái máy hút ở phía sau màng nhĩ. Kết quả là gây viêm.

 

5.  Những dấu hiệu phổ biến nhất của viêm tai?

 

Đau tai.

 

Viêm tai thường gây đau. Nếu trẻ chưa đủ lớn để nói cho bạn biết rằng chúng đau tai thì bạn hãy thật chú ý những dấu hiệu cảnh báo như: khóc hoặc dễ cáu kỉnh; khó ngủ và sốt. Một số dấu hiệu khác như nôn, tiêu chảy và phản ứng chậm trước âm thanh. Việc xem ống tai lúc này không giúp bạn nhận ra được trẻ có bị viêm tai không bởi dấu hiệu rất không rõ ràng.

 

6. Cách tốt nhất để điều trị bệnh viêm tai?

 

Đó là theo dõi.

 

Hầu hết các trường hợp viêm tai đều tự khỏi mà không cần dùng kháng sinh. Hãy kiên nhẫn và theo dõi bé chặt chẽ. Khi thấy trẻ khá hơn, bạn vẫn có thể cho trẻ chơi đùa, thậm chí là đi học.

 

Viện Nhi Hoa Kỳ khuyến nghị: Kháng sinh chỉ nên dùng khi tình trạng viêm nhiễm kéo dài hơn 2 – 3 ngày. Việc sử dụng bừa bãi kháng sinh, đặc biệt là với các bệnh phổ biến như viêm tai có thể dẫn tới lờn thuốc.

 

7. Kháng sinh có điều trị được viêm tai?

 

Không

 

Kháng sinh không thể điều trị được chứng đau tai do viêm tai giữa trong 24 giờ đầu, khi mà cơn đau đang ở đỉnh điểm. Thậm chí chúng cũng không thể chấm dứt cơn sốt nhanh hơn và tốt hơn so với với các loại thuốc hạ sốt không cần kê đơn thông thường. Nếu bé bị đau, hãy hỏi bác sĩ cách để làm giảm đau.

 

Nếu bác sĩ tư yêu cầu bé phải uống kháng sinh thì hãy tuân thủ nghiêm túc. Thậm chí, nếu bé cảm thấy khá hơn thì cũng phải tuân thủ nốt đơn thuốc để điều trị tận gốc.

 

8. Ai sẽ là cần phải thông tai?

 

Đó là những đứa trẻ vẫn tiếp tục bị viêm tai sau 5 tuổi

 

Đối với những đứa trẻ bị viêm tai mãn tính thì việc thực hiện tiểu phẫu, mở một lỗ nhỏ ở màng nhĩ sẽ giúp chúng giảm được tình trạng viêm nhiễm. Bằng cách này, các chất lỏng sẽ nhanh chóng được đào thải ra ngoài, giúp cho vùng sau màng nhĩ không bị nhiễm khuẩn.

 

9. Những biến chứng thường gặp khi viêm tai?

 

Nghễnh ngãng nhất thời.

 

Viêm tai giữa nhìn chung tự khỏi mà không cần điều trị. Các chất lỏng trong tay có thể gây nghễnh ngãng tạm thời và hết ngay sau khi tình trạng viêm được giải quyết. Trong một số trường hợp, nếu áp lực ở tai giữa gia tăng quá mức thì có thể gây nứt, rách màng nhĩ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, màng nhĩ sẽ tự vá trong vài tháng.

 

10. Cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm tai?

 

Có rất nhiều cách để ngăn ngừa viêm tai giữa. Đó là:

-          Luôn rửa tay cho trẻ

-          Không để trẻ tiếp xúc với môi trường khói thuốc hay người mắc bệnh

-          Đối với trẻ sơ sinh, tăng cường bú mẹ sẽ giúp trẻ phòng ngừa được bệnh cảm lạnh và viêm tai.

-          Vệ sinh bình bú sạch sẽ và bế trẻ ở tư thế ngồi nghiêng trong suốt quá trình bú để tránh chất lỏng tràn vào vòi nhĩ. Tuyệt đối không cho trẻ bú nằm.

 

Thu Phương

Theo MSN

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm