"Tôi tiêm thuốc chưa đầy 1 phút nhưng phải nghỉ nửa buổi làm việc"
(Dân trí) - "Tôi tiêm thuốc 1 phút phải nghỉ nửa buổi làm", "chờ tận 2 tiếng chỉ để khám bệnh đúng 5 phút" là ý kiến của bệnh nhân được bệnh viện ở TPHCM ghi nhận, trước khi tiến hành những cải cách chuyên môn.
"Chờ tận 2 tiếng chỉ để khám bệnh đúng 5 phút"
Mới đây tại hội nghị khoa học thường niên Liên chi hội Da liễu TPHCM, Phó giáo sư Nguyễn Trọng Hào, Chủ tịch Hội đồng trường, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, trong thời gian còn làm Giám đốc Bệnh viện Da liễu TPHCM, đơn vị của ông đã ghi nhận nhiều ý kiến về các tồn tại trong công tác khám chữa bệnh.
Ở phía bệnh nhân, có những ý kiến như: "Tôi tiêm thuốc chưa đầy 1 phút nhưng phải nghỉ nửa buổi làm việc", "tôi chờ tận 2 tiếng chỉ để khám bệnh đúng 5 phút", hay "bác sĩ tư vấn quá nhiều thông tin, tôi không nhớ hết được".
Ngược lại, chính nhân viên y tế cũng có các phàn nàn, như không có nhiều người bệnh vẫn cảm thấy quá tải, thường xuyên xuất hiện tình trạng nhiều bệnh nhân chưa được tư vấn tiêm thuốc sinh học (điều trị vảy nến) trong bối cảnh vẫn còn hàng chục số chờ…
Từ nhiều ý kiến thu được, Bệnh viện Da liễu TPHCM đã nhận diện được một số vấn đề. Đó là thời gian chờ của bệnh nhân khi đến khám và điều trị quá lâu và không hợp lý, khiến gánh nặng công việc của nhân viên y tế cũng bị ảnh hưởng.
Từ đó, đơn vị tiến hành phân tích các "điểm đau - nút thắt" dẫn đến nguyên nhân xảy ra tình trạng trên, bằng cách theo dõi tổng hành trình ở từng nhóm người bệnh, gặp vấn đề gì khi khám, xét nghiệm, tiêm thuốc… để tiến hành những thay đổi, cải tiến.
Tăng sự an toàn, giảm tổn hại cho người bệnh
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Uyển Nhi, Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TPHCM chia sẻ thêm với phóng viên Dân trí, năm 2023, nơi này đã tiến hành 2 dự án "Cải tiến chất lượng khám chữa bệnh tại phòng khám vảy nến 120" và "Cải tiến chất lượng dịch vụ khám VIP thuộc khoa Khám bệnh" (Lean Six Sigma).
Bác sĩ Uyển Nhi phân tích, khi có nhiều bệnh nhân đến khám trong một thời điểm sẽ dẫn đến tình trạng chờ đợi. Trong khi đó với đặc thù của chuyên ngành Da liễu, có những trường hợp bác sĩ chẩn đoán và điều trị rất nhanh. Chính vì vậy, bệnh viện đã tổ chức thêm bước sàng lọc nhu cầu người bệnh.
Đơn cử, những bệnh nhân nào chỉ cần thực hiện các tiểu phẫu sẽ được di chuyển đến một đường riêng, để được ưu tiên giải quyết nhanh tại phòng khám.
Tương tự, với phòng khám 120, bệnh nhân vảy nến mới đến lần đầu sẽ cần được bác sĩ tư vấn rất nhiều về cách điều trị, giá cả, liệu trình… Đến những lần sau, khi đã nắm rõ tình trạng và không có gì bất thường, bệnh nhân chỉ đến để chích thuốc, nên phải được ưu tiên thực hiện trước.
Còn với những bệnh nhân cần thời gian nhiều hơn, dù chờ lâu hơn một chút nhưng họ vẫn hài lòng, vì bác sĩ có thời gian để chăm sóc kỹ hơn cho họ. Cách làm này cũng tương tự với 4 phòng khám theo yêu cầu ở khoa Khám bệnh, giúp thời gian được phân phối phù hợp, giải quyết tình trạng ứ bệnh.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng triển khai thêm nhiều công cụ mới để quản lý việc điều trị, như xây dựng thang điểm đánh giá, tầm soát các bệnh lý đồng mắc với bệnh vảy nến, mở các kios tra cứu thông tin cho bệnh nhân, cải tiến cảnh báo thuốc ở khoa Dược, cải tiến trong quản lý hồ sơ bệnh án…
Từ những sự thay đổi nêu trên, từ chỗ chỉ khám hơn 400 bệnh nhân vảy nến mỗi năm trước đây, lượng bệnh đã tăng dần theo thời gian. Đến nay, con số này ở phòng khám 120 của bệnh viện là hơn 6.000 lượt bệnh/năm. Thời gian chờ khám bệnh, tiêm thuốc (từ 54-55 phút trước đó) cũng giảm mạnh (lần lượt giảm hơn 50% và 80%).
Nhờ các sáng kiến cải tiến chất lượng, vừa qua, bệnh viện chuyên khoa Da liễu tuyến cuối khu vực phía Nam đã được Sở Y tế TPHCM đánh giá chất lượng đạt 4,37 điểm (trên thang điểm 5), cao hơn năm trước đó (4,28 điểm).
Phó giáo sư Nguyễn Trọng Hào nhận định, có 6 thuộc tính cụ thể để hướng đến khi cải tiến, bao gồm an toàn, kịp thời, hiệu quả, hiệu suất, công bằng, lấy người bệnh làm trung tâm.
Chuyên gia cũng đề nghị, cần áp dụng nhiều hơn việc cải tiến quy trình và cải thiện kết quả chăm sóc, tăng sự an toàn và giảm tổn hại cho người bệnh, giúp bác sĩ tìm ra cách chăm sóc mang tính chi phí - hiệu quả, tăng sự quan tâm của người bệnh và xã hội…