Tóc rụng: Tại sao? Ngăn ngừa như thế nào?
(Dân trí) - Tóc rụng là một vấn đề lớn trong y khoa. Với phụ nữ, mái tóc là một trong ba món được quan tâm hàng đầu: “nhất dáng, nhì da thứ ba mái tóc”.
Hai câu hỏi: Làm thế nào để có mái tóc đẹp? Và làm thế nào để tóc không rụng? Thường được chị em quan tâm, đặt ra rất nhiều.
Tòa soạn giới thiệu bài viết của TS.BS Trần Bá Thoại, một chuyên gia trong lãnh vực Nội tiết & Chuyển hóa về vấn đề này .
Cấu tạo của sợi tóc
Có nhiều loại loại, dạng màu sắc tóc khác nhau. Nhưng chúng đều có chất chính cấu tạo sợi tóc là sừng keratin, gồm nhiều loại protein, chiếm trên 70% thành phần. Keratin cũng chính là cấu phần chính của móng tay, móng chân và lớp biểu bì da.
Chất keratin mọc từ nang tóc (chân tóc) nằm dưới da đầu. Mỗi nang tóc chứa rất nhiều mạch máu nhỏ li ti mang dưỡng nuôi tóc. Nang tóc là phần “sống” duy nhất của sợi tóc giúp tóc mọc dài ra. Quanh nang tóc có các tuyến bã nhờn (tuyến dầu) giúp bôi trơn sợi tóc và các cơ trơn nang để giúp tóc “dựng lên”.
Sợi tóc, “thân tóc” thật sự là phần tóc đã “chết”, không có trao đổi dưỡng chất vì thế chúng ta không thấy đau khi cắt tóc. Thân tóc gồm 3 lớp: Lớp biểu bì (cutin), lớp vỏ (cortex) ở giữa và lớp tủy (medulla).
Lớp biểu bì là phần ngoài cùng của thân tóc, gồm 5-10 lớp keratin trong suốt xếp chồng lên nhau như vảy cá có tác dụng bảo vệ sợi tóc khỏi các hóa chất hoặc ảnh hưởng bên ngoài. Giữa các vảy keratin có một chất kết dính (chất KIT) và được bao phủ bởi một màng chất béo để tóc không thấm nước.
Lớp giữa bao gồm nhiều bó sợi nhỏ hợp thành và chứa sắc tố melanin tạo nên màu cho sợi tóc. Lớp giữa là lớp có khả năng quyết định độ chắc khỏe cũng như màu tóc là vàng, nâu, đỏ hoặc đen.
Lớp tủy (medulla): đây là phần trong cùng của sợi tóc, chứa các hạt chất béo và không khí. Những sợi tóc quá mảnh sẽ không có lớp tủy.
Tóc đẹp, óng ả hay không là do lớp biểu bì (cutin) ở thân tóc. Hóa chất trong thuốc nhuộm, dầu gội, dầu tắm, nước hồ bơi, tia tử ngoại mặt trời, nhiệt từ máy sấy… đều có thể làm mất chất kết dính KIT khiến vảy keratin bị bong ra, tóc hư tổn, xơ xác, dễ rối, không mượt, khó chải và dễ gãy.
Sợi tóc là phần là một cấu trúc “chết” , không thể tự phục hồi. Vì vậy, dầu xả hoặc kem xả có chứa silicon, tinh dầu và một số chất khác sẽ giúp giữ ẩm và làm tóc mượt trở lại.
Thế nào là rụng tóc?
Trung bình, da đầu của mỗi người có từ 65 đến 150 nghìn sợi tóc. Mỗi sợi tóc dày từ 0,02 đến 0,04 mm, tức là khoảng 25-50 sợi tóc xếp cạnh nhau sẽ được 1mm. Mỗi ngày, trung bình tóc dài thêm khoảng 0.35mm mỗi ngày, tức khoảng 1cm mỗi tháng.
Trung bình, mỗi ngày có khoảng 40- 60 sợi tóc bị rụng. Số lượng tóc rụng tùy thuộc vào: lượng tóc có trên da đầu, độ tuổi hay vòng đời sinh trưởng của tóc từng người. Theo tiêu chuẩn y học, rụng tóc được gọi là bệnh lý khi bạn thấy lượng tóc rụng tăng vọt lên tới trên 100 sợi/ ngày.
Nhiều nguyên nhân được liệt kê như: (1) Do mất cân bằng nội tiết tố, tuổi tác, (2) Ăn uống thiếu chất, mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu hụt vitamin, (3) Một số thuốc điều trị bệnh, (4) Yếu tố di truyền, (5) Nhiều hóa chất, yếu tố gây “áp lực” lên tóc, (6) Căng thẳng (stress), lo lắng quá đáng (đói rụng râu, rầu rụng tóc)…
Bị rụng tóc cần lưu ý
1. Cần điều trị sớm, tránh để teo nang tóc Nang tóc giống như rễ cây, là nguồn sống của tóc. Mỗi sợi tóc đều được mọc lên từ nang tóc hay còn gọi là chân tóc. Đây chính là gốc để mỗi khi có sợi tóc rụng đi sẽ có sợi tóc khác mọc lên thay thế.
2. Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng thích hợp
3. Tránh lạm dụng “tạo kiểu” tóc quá nhiều Sử dụng nhiều mỹ phẩm, thuốc uốn, nhuộm, duỗi tóc hay tác động cơ học của máy sấy, máy làm xoăn… ảnh hưởng lớn tới lớp lipid và vảy keratin ở lớp biểu bì tóc, khiến tóc bị khô, nang tóc teo lại và các sợi tóc cũng lần lượt “ra đi”.
4. Chọn dầu gội thích hợp: Dầu gội rất cần thiết để loại bỏ bụi bẩn, làm sạch bóng tóc, nhưng nó cũng có thể khiến tóc rụng nhiều. Nên ưu tiên các loại dầu gội được chiết xuất từ thảo dược tự nhiên như: hoa cúc, hoa oải hương, tinh dầu bạc hà,… để tránh những tổn thương, kích ứng cho da đầu. Cũng cần lưu ý, tuyệt đối không chải đầu khi tóc còn ướt, bởi lúc này liên kết giữa tóc và da đầu rất yếu nên có thể gây tổn thương cho nang tóc, khiến tóc dễ gãy rụng.
TS.BS Trần Bá Thoại
Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam