Tính khí thất thường do đâu?
(Dân trí) - Những phản ứng thái quá diễn ra đan xen được xem là rối loạn khí sắc. Và có một số nguyên nhân gây ra tình trạng khi hưng cảm, lúc trầm cảm trên 1 cá thể:
Thay đổi hoóc - môn
Bạn có nhớ đã từng có những thay đổi cảm xúc khi còn ở tuổi thiếu niên, thường là dễ nổi nóng và sau đó là trầm cảm, phần lớn thời gian là cáu kỉnh và giận dữ với bố mẹ. Những thay đổi tâm trạng tuổi teen có thể là do sự gia tăng nhanh chóng hoóc môn giới tính. Hội chứng tiền kinh nguyệt cũng được cho là nguyên nhân gây thay đổi tâm trạng ở những cô bé tuổi teen và phụ nữ cũng có thể rơi vào trạng thái này do sự dao động của hàm lượng oestrogen và progesterone thời kỳ kinh nguyệt.
Tính khí thất thường cũng khá phổ biến khi bạn mang thai đặc biệt trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ. Mang thai có thể dẫn đến những thay đổi về thể chất, gây căng thẳng, mệt mỏi, tình trạng bị kích động kèm theo những thay đổi hoóc môn ảnh hưởng tới các chất dẫn truyền thần kinh điều chỉnh tâm trạng. Tất cả những điều này có thể gây rối loạn khí sắc. Bạn không cần lo lắng vì điều đó là hoàn toàn bình thường trong giai đoạn này.
Mãn kinh là nguyên nhân khác gây rối loạn khí sắc. Hàm lượng oestrogen suy giảm được cho là thủ phạm. Một giả thuyết chỉ ra rằng hàm lượng oestrogen giảm gây ra những triệu chứng như bốc hỏa, đổ mồ hôi dẫn tới gián đoạn giấc ngủ; gây mất cân bằng các hooc môn điều chỉnh cảm xúc (dopamine, serotonin) vì vậy mà tâm trạng ban ngày thay đổi. Giả thuyết khác ủng hộ quan điểm rằng rối loạn khí sắc là do phản ứng với những thay đổi vai trò và mối quan hệ liên quan tới những thay đổi lối sống do tuổi tác.
Rối loạn khí sắc do thay đổi hoóc môn có thể được điều trị một cách dễ dàng. Bác sĩ sẽ kê đơn dựa trên các triệu chứng của bạn. Tư vấn và tâm lý trị liệu cũng có ích trong trường hợp này.
Lạm dụng chất và tác dụng phụ của thuốc
Rối loạn khí sắc với những cơn giận dữ bùng phát đột ngột thường là triệu chứng của lạm dụng ma túy. Nếu chọn ma tuý để mong thoát khỏi những rắc rối của cuộc sống thì kết quả chỉ là ngược lại.
Tất cả chất gây nghiện tác động đến thần kinh đều làm thay đổi hoạt động não. Những loại ma tuý này có thể làm tăng đột biến dopamine trong não, tạo ra cảm giác hài lòng. Dần dần, não bộ thích nghi với đột biến dopamine, nó tạo ra ít dopamine hơn do vậy làm giảm tác động của dopamine. Khi đó, bạn phải dùng liều cao hơn để hưng phấn.
Lạm dụng ma túy kéo dài cũng sẽ làm thay đổi các hóa chất khác trong não. Glutamate, một chất dẫn truyền thần kinh chịu trách nhiệm về chức năng nhận thức bị thay đổi bởi lạm dụng ma túy, ảnh hưởng tiêu cực lên việc học tập, trí nhớ, kiểm soát hành vi và khả năng ra quyết định
Việc nhận ra bạn có dấu hiệu nghiện là bước đầu tiên phục hồi. Đừng xem nhẹ vấn đề của mình. Hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình và bè bạn.
Ngoài lạm dụng ma túy, việc sử dụng một số thuốc cũng có thể gây ra những rối loạn khí sắc:
- Các thuốc chống trầm cảm sẽ cần phải dừng lại nếu chúng khiến người bệnh có xu hướng bạo lực.
- Một số thuốc điều trị huyết áp cao như Lisinopril làm giảm hàm lượng natri trong máu và tăng hàm lượng kali. Điều này có thể dẫn đến trầm cảm và lo âu ở một số người.
- Một số thử nghiệm báo cáo rằng các thuốc hạ cholesterol nhóm statin như simvastatin gây ra những xáo trộn tâm trạng. Mặc dù các nghiên cứu sau này cho thấy simvastatin hoặc pravastatin không gây rối loạn khí sắc, nhưng tốt hơn là vẫn nên thận trọng.
- Một số loại kháng sinh như gentamicin và ciproflozacin có thể gây ra sự thất thường trong cảm xúc ở một số người.
- Ritalin được sử dụng trong điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý là thuốc cũng có thể có tác dụng phụ là rối loạn khí sắc.
Nếu bạn nhận thấy tính khí thất thường hoặc có các triệu chứng trầm cảm, hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức. Đừng tự ý dừng thuốc. Bác sĩ sẽ quyết định việc bạn nên tiếp tục dùng hay ngừng thuốc.
Căng thẳng
Bất cứ khi nào bạn bị căng thẳng thì hàm lượng cao hormone stress sẽ được giải phóng trong máu, nơi chúng di chuyển tới tim, phổi, dạ dày và những phần khác của cơ thể (nhớ phản ứng “chiến đấu hoặc bỏ chạy”) và gây ra những thay đổi như thở gấp, tăng nhịp tim, tăng năng lượng, thay đổi hoạt động não.
Căng thẳng nhẹ trên thực tế có lợi vì nó cải thiện hiệu suất làm việc và nhiệm vụ nhận thức, nhưng căng thẳng nghiêm trọng kéo dài làm giảm cân bằng hoóc môn dẫn tới mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh trong não. Và mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh gây ra những thay đổi tâm trạng nghiêm trọng. Ngồi thiền, tập thái cực quyền, yoga, các kỹ thuật thư giãn là những cách giảm stress tốt. Thậm chí đi bộ một mình cũng có thể làm giảm mức độ stress.
Chế độ ăn
Chất bột đường giúp tăng cường hàm lượng tryptophan, vì vậy nhiều serotonin hơn được tổng hợp trong não. Và serotonin được cho là cải thiện tâm trạng. Hãy chọn chất bột đường lành mạnh thay vì thực phẩm nhiều đường, để bạn có thể nhận được những dưỡng chất có lợi hơn.
Tương tự như vậy, các axit béo omega-3 có trong các loại thực phẩm như cá béo, hạt lanh, quả óc chó, đậu tương có ảnh hưởng một cách tích cực đến các chất dẫn truyền thần kinh, giúp cải thiện tâm trạng của bạn. Thiếu omega-3 gây ra sự tức giận, cáu kỉnh và trầm cảm.
Một nghiên cứu được công bố trên tờ PLOS chỉ ra mối liên kết giữa thực phẩm và tâm trạng và đó có thể là hệ vi khuẩn đường ruột. Các tác giả nghiên cứu chế độ ăn nhiều chất béo và chế độ ăn nhiều đường trên động vật thực nghiệm và thấy rằng chế độ ăn nhiều chất béo làm thay đổi vi khuẩn ruột và dẫn tới các biểu hiện trầm cảm như không thể tìm thấy niềm vui, trong khi chế độ ăn nhiều đường lại có tác động ngược lại. Vì vậy, không nên phá vỡ hệ vi khuẩn đường ruột để tránh những rối loạn cảm xúc.
Điều này chứng minh rằng chế độ ăn uống cân bằng là rất quan trọng.
Bệnh tật
Những bệnh như u não, đột quỵ, sa sút trí tuệ, viêm màng não, bệnh phổi và bệnh tim mạch và các vấn đề tuyến giáp có thể gây ra rối loạn khí sắc. Hãy nói với bác sĩ về những thay đổi tâm trạng của bạn. Không bỏ qua những thay đổi này vì nó có thể gây ra những rối loạn sức khỏe tâm thần và thể chất nghiêm trọng.
Trầm cảm và hưng cảm
Rối loạn khí sắc có 2 trạng thái chính: hưng cảm và trầm cảm.
Trầm cảm là cảm giác buồn, tuyệt vọng và chán nản kéo dài do sự thay đổi của não bộ hay những biến cố trong cuộc sống như sự ra đi của một người thân hay mắc phải một căn bệnh vô phương cứu chữa, mất việc…
Các triệu chứng phổ biến nhất là:
- Mất hy vọng, cảm giác tội lỗi
- Mất hứng thú với những hoạt động trước đó bạn rất thích hoặc thờ ơ với gia đình và bạn bè.
- Ảo tưởng hoặc ảo giác
- Rắc rối trong tập trung, khi nhớ và ra quyết định
- Muốn tự tử, xa lánh mọi người
- Mất ngủ, mệt mỏi
- Đau không giải thích
- Chán ăn hoặc ăn quá nhiều
Hưng cảm là tình trạng khí sắc tăng với những biểu hiện:
- Rất tự tin và lạc quan
- Cơ thể tràn đầy năng lượng
- Kích động và giận dữ
- Bốc đồng, đưa ra những quyết định sai lầm và hành vi liều lĩnh
- Hoang tưởng và ảo giác
Trầm cảm và hưng cảm không phải là bệnh có thể phòng ngừa và có yếu tố di truyền. Việc nhận biết và điều trị sớm rất quan trọng. Về cơ bản, các rối loạn khí sắc được điều trị bằng liệu pháp tâm lý và các thuốc ổn định tâm trạng. Bạn cũng có thể được khuyên tham gia vào nhóm hỗ trợ.
Hà Ngân
Theo THS