1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Tình dục không giao hợp - Những nguy cơ lây nhiễm bệnh

Tình dục không giao hợp gồm những hành vi như hôn, thủ dâm cho nhau... những hành vi thường có ở những đôi bạn tình khác giới vẫn có thể có nhiều nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục (LTTD), đó là khuyến cáo của Hội sản phụ khoa Mỹ gần đây (tháng 9/2008).

Mặc dầu những hành vi nói trên không hay ít có nguy cơ gây ra mang thai nhưng phụ nữ chấp nhận kiểu thực hành tình dục không qua đường âm đạo có nguy cơ cao hơn bị nhiễm các bệnh LTTD so với nam.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đặc điểm các bệnh LTTD có thể gặp khi quan hệ tình dục không giao hợp

- Sự lây truyền HIV có mối tương quan cao với lượng HIV ở bạn tình đã bị nhiễm và kiểu hành vi tình dục. Phụ nữ là đối tượng tiếp nhận dễ bị nhiễm nhất so với nam và nếu thực hành qua đường hậu môn thì nguy cơ nhiễm HIV cao hơn 5 lần so với tình dục qua đường âm đạo. Sự lây truyền HIV giảm khoảng 80% nếu dùng bao cao su. Giữa nam giới thực hành tình dục với nhau theo đường miệng cũng bị lây nhiễm HIV.

- Virut gây mụn giộp gồm 2 týp: HSV-1 và HSV-2, có thể lây truyền qua hôn và tình dục không theo đường âm đạo. HSV-1 gây các tổn thương ở miệng (kể cả chốc mép) và virut HSV-2 gây tổn thương ở đường sinh dục. Tuy nhiên, cả 2 loại virut nói trên đều có thể gây tổn thương ở miệng, hậu môn hay sinh dục.

- Virut gây u sùi (HPV) là loại virut rất phổ biến gây bệnh u sùi, các ung thư ở đường sinh dục - hậu môn, miệng và cả các u sùi sinh dục lành tính khác. Trong số hơn 100 chủng HPV thì 40 chủng gây bệnh ở khu vực hậu môn - sinh dục và miệng. Miệng ít bị nhiễm bệnh hơn so với đường tình dục. Lây nhiễm HPV qua đường tay với cơ quan sinh dục còn chưa chắc chắn.

- Virut gây viêm gan B thường lan truyền qua quan hệ tình dục không giao hợp vì virut có ở tinh dịch, nước bọt và phân. Viêm gan A lây truyền qua thức ăn ô nhiễm, hay gặp hơn ở nam thực hành kiểu tình dục có tiếp xúc giữa miệng và hậu môn. Mặc dầu sự lây truyền virut viêm gan C ít xảy ra qua đường tình dục nhưng cũng có thể khi đã bị nhiễm virut gây bệnh viêm gan B, đã nhiễm HIV và có tiếp xúc giữa miệng và đường sinh dục.

Những bệnh LTTD không do virut:

- Giang mai: Cũng đã có báo cáo nói đến giang mai nguyên phát và thứ phát do hành vi tình dục theo đường miệng.

- Lậu: Vi khuẩn lậu có thể gây tổn thương ở niệu đạo, cổ tử cung, trực tràng và miệng. Lây truyền do tiếp xúc giữa miệng và cơ quan sinh dục có thể xảy ra.

- Chlamydia: Vi khuẩn tìm thấy ở họng của nam và nữ có thực hành tình dục theo đường miệng.

- Các bệnh hạ cam, bệnh lỵ trực khuẩn, bệnh Salmonella và nhiều nhiễm khuẩn đường ruột cũng có thể phát sinh khi thực hành những hành vi tình dục không giao hợp (theo đường miệng - cơ quan sinh dục hay miệng -hậu môn).

- Chưa có bằng chứng về viêm âm đạo - âm hộ do nấm, do loạn khuẩn, do trùng roi phát sinh từ hành vi tình dục không giao hợp.

Vai trò của thầy thuốc trong việc giúp phòng tránh nguy cơ nhiễm bệnh

- Tìm hiểu về kiểu thực hành tình dục không giao hợp (thủ dâm cho nhau, theo đường miệng...), đã từng có quan hệ tình dục với bạn tình nam hay nữ hay với cả hai giới.

- Khuyến khích dùng bao cao su thường xuyên và đúng cách, không nên có nhiều bạn tình và không nên thực hành tình dục theo đường miệng hay hậu môn.

- Còn nhiều cách giảm nguy cơ khác vẫn được nói đến như kiềm chế không quan hệ tình dục, sống chung thủy, dùng bao cao su và xét nghiệm phát hiện các bệnh LTTD trước khi có quan hệ tình dục với một bạn tình mới. Mọi phụ nữ từ 25 tuổi hoặc trẻ hơn đã có quan hệ tình dục đều cần được tầm soát hằng năm để xem có bị nhiễm Chlamydia và tất cả vị thành niên từng có quan hệ tình dục đều cần được tầm soát xem có bị nhiễm lậu.

- Cả phụ nữ có xu hướng tình dục đồng giới hay lưỡng tính dục cũng cần tầm soát về các bệnh LTTD như các phụ nữ thông thường khác khi có các yếu tố nguy cơ.

- Nhấn mạnh tiềm năng nguy cơ đến sức khỏe của hành vi tình dục không an toàn (các kiểu hành vi tình dục tăng nguy cơ bị nhiễm các bệnh LTTD như theo đường miệng hay hậu môn...), có kỹ năng tư vấn về các phương pháp bảo vệ, nhất là cho vị thành niên.

Theo BS. Đào Xuân Dũng

Sức khỏe & Đời sống

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm