Tính cách của bạn hoàn toàn thay đổi khi về già

(Dân trí) - Đó là kết luận của một nghiên cứu dài nhất từ trước đến nay về tính cách con người.

Tính cách của bạn hoàn toàn thay đổi khi về già - 1

Nghiên cứu đầu tiên kiểm tra tính cách của mọi người ở tuổi vị thành niên và một lần nữa khi đã già cho thấy so với chính họ thời trẻ, phần lớn tính cách của họ khi đã lớn tuổi thật khó nhận ra.

Gạt sang bên hình thức và lựa chọn thời trang, bạn có thể nghĩ rằng về cơ bản mình vẫn là chính mình lúc về già cũng như ở tuổi thiếu niên.

Nhưng nghiên cứu dài nhất từ trước tới nay về tính cách con người đã thách thức giả định này.

Với sự tiếp cận chưa từng có tiền lệ, các nhà tâm lý học tại Đại học Edinburgh ở Anh đã tìm hiểu xem các nét tính cách thay đổi như thế nào khi chúng ta già đi bằng cách theo dõi một nhóm người lớn Scotland từ tuổi thiếu niên đến tuổi già. Những phát hiện này được công bố trên tạp chí Psychology and Aging, thách thức đáng kể quan điểm cho rằng tính cách là khá bất biến trong suốt cuộc đời.

"Điều cần đánh giá cao là những dữ liệu như thế này rất hiếm có", TS. Ian Deary, giảng viên đại học về tâm lý khác biệt và là một trong những tác giả của nghiên cứu, nói. "Những câu hỏi không phải là lý tưởng và phương pháp đánh giá cũng không phải là lý tưởng, nhưng quần thể mẫu ban đầu tốt đến mức kinh ngạc và thời gian giữa các lần đánh giá là vượt trội."

Các nhà nghiên cứu đã lần đầu tiên truy cập dữ liệu từ một nghiên cứu được tiến hành vào năm 1950, trong đó một nhóm các giáo viên điền vào bảng đánh giá tính cách cho hơn 1.200 học sinh 14 tuổi. Những bảng này đánh giá 6 đặc điểm tính cách cơ bản: tự tin, tận tâm, kiên trì, ham muốn nổi trội, độc đáo và sự ổn định của tâm trạng.

Sau đó, vào năm 2012, các nhà nghiên cứu đã tìm lại những học sinh trong nghiên cứu năm 1950. Trong số 635 người tham gia có thể xác định địa chỉ, 174 đồng ý thực hiện bài kiểm tra tính cách tương tự như bài kiểm tra mà họ đã tham gia trong 63 năm trước đó.

Những người tham gia, lúc này có tuổi trung bình là 77, điền vào bảng đánh giá tính cách cũng đo lường 6 đặc điểm như bảng đánh giá ở tuổi thiếu niên. Họ cũng đưa theo một người gần gũi sẽ đánh giá người tham gia trên cùng thang điểm tính cách.

Những thay đổi tính cách chỉ diễn ra dần dần trong suốt cuộc đời, nhưng đến tuổi già nó có thể hoàn toàn khác với tính cách khi còn trẻ.

Khi so sánh kết quả kiểm tra trước đây-và-bây giờ, các nhà nghiên cứu ngạc nhiên khi thấy hầu như không có sự chồng chéo. Những nét tính cách duy nhất có sự bất biến nhẹ là sự ổn định của tâm trạng và sự tận tâm, nhưng mối tương quan không mạnh.

Việc tự đánh giá khi còn trẻ và khi về già có vẻ không như nhau cho từng người. Nó “như thể bài kiểm tra thứ hai đã được thực hiện cho những người khác”, tác giả nghiên cứu nhận xét.

"Thời gian giữa hai lần đánh giá tính cách càng dài, thì mối quan hệ giữa hai lần có vẻ càng yếu. Kết quả của chúng tôi gợi ý rằng, khi khoảng cách tăng lên đến 63 năm, hầu như rất khó tìm ra bất kỳ mối quan hệ nào", các nhà nghiên cứu viết trong kết luận. "Tính cách chỉ thay đổi dần dần trong suốt cuộc đời, nhưng đến khi về già nó có thể hoàn toàn khác với tính cách lúc còn trẻ".

Tuy nhiên, kết quả là rất bất ngờ, vì hầu hết các nghiên cứu khác cho thấy các đặc điểm tính cách là khá ổn định qua hàng chục năm. Sự ổn định tính cách như một cấu trúc tâm lý đã được khẳng định từ thời William James, cha đẻ của ngành tâm lý học Mỹ, người vào năm 1890 đã phát biểu rằng sau tuổi 30, tính cách đã "định hình như thạch cao". Ông tin rằng khi chúng ta đến tuổi trưởng thành,tính cách của chúng ta không thể thay đổi đáng kể.

Phù hợp với quan điểm của James, nghiên cứu đã cho thấy sự “linh hoạt” tính cách - một thông số đo mức độ thay đổi của các nét tình cách của chúng ta – giảm đi khi một người đi qua thời thanh niên. Các bằng chứng khoa học nói chung cho thấy rằng các đặc điểm tính cách là ổn định trong thời gian dài, và một nghiên cứu thậm chí còn thấy những đặc điểm này ổn định trong hơn 40 năm.

Nhưng những phát hiện mới gợi ý rằng tính cách có thể dễ uốn nắn hơn là các nhà nghiên cứu từng nghĩ. Tất nhiên, dữ liệu này không hoàn toàn thuyết phục.

So sánh đánh giá của giáo viên với tự đánh giá sau đó gần như không đáng tin cậy bằng việc chính đối tượng đánh giá tính cách của mình ở cả hai độ tuổi. Thêm vào đó, cỡ mẫu vào cuối nghiên cứu khá là tương đối nhỏ. Tuy nhiên kết quả vẫn rất rõ rệt khi gợi ý rằng tính cách có thể dễ uốn nắn hơn ta tưởng.

Xét vì các tế bào của chúng ta được thay thế sau mỗi 7 năm, có vẻ như sau hàng chục năm, bạn thực sự không còn là con người trước đây của bạn.

Cẩm Tú

Theo Huffingtonpost