Tìm chất độc trên mẫu táo đỏ Trung Quốc

(Dân trí) - Trước thông tin loại táo đỏ Fuji (Yên Đài, Sơn Đông, Trung Quốc) được ủ bọc nhựa tẩm chất độc hại, loại táo này cũng được nhập chính ngạch vào Việt Nam, Cục Bảo vệ Thực vật Việt Nam đã lấy mẫu táo ở cửa khẩu và trên thị trường kiểm tra.

Trước đó, nhiều tờ báo Trung Quốc đưa tin hiện chất bột trong các bọc nhựa được người nông dân Sơn Đông dùng bọc táo là thiram (một loại thuốc diệt nấm độc hại) và melarsoprol (hợp chất hữu cơ độc hại chứa arsen).

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, hiện Cục đang theo dõi mọi thông tin cũng như động thái xử lý từ phía nhà chức trách Trung Quốc. Đồng thời cũng theo dõi động thái từ các nước bởi đây là một loại táo nổi tiếng, không chỉ nhập khẩu vào Việt Nam mà được xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, một số công ty tại Nhật Bản đã tạm dừng nhập khẩu táo từ một số nhà sản xuất ở vùng Sơn Đông.

Ông Hồng cho biết thêm, Việt Nam nhập khẩu rất nhiều táo từ Trung Quốc, mỗi năm hàng trăm nghìn tấn. Riêng với loại táo Fuji số lượng nhập không nhiều. Nông dân Việt Nam cũng trồng giống táo này ở một số vùng. Khi nhập khẩu, phía Trung Quốc cũng có những xét nghiệm kiểm soát và công bố táo an toàn. Còn với Việt Nam, Việt kiểm nghiệm được thực hiện theo quy định. Kết quả kiểm tra mới nhất cho thấy, có khoảng 30% mẫu táo chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhưng đều nằm dưới ngưỡng cho phép.

Trước thông tin táo Fuji ủ bọc nhựa tẩm chất độc hại, Cục đã chỉ đạo các đơn vị ở cửa khẩu tăng cường kiểm soát lấy mẫu các loại trái cây nhập khẩu, đặc biệt là táo có xuất xứ từ Trung Quốc. Các đơn vị kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật kiểm tra kỹ, chặt, phát hiện xem hai hóa chất này có trên mẫu táo của Trung Quốc nhập vào Việt Nam hay không. Việc lấy mẫu đã được tiến hành và sẽ có kết quả vào cuối tuần này để công bố.

Ông Hồng cũng khuyến cáo, người dân không nên lo lắng vì phần lớn hoa quả Trung Quốc sang Việt Nam đường chính ngạch được cơ quan chức năng trong nước giám sát, kiểm soát chặt chẽ, kể cả lấy mẫu phân tích dư lượng thuốc trừ sâu, chất bảo quản.

Riêng loại táo này, mùa được nhập vào Việt Nam nhiều nhất là tháng 10 đến tháng 3 hàng năm. Vì thế, sự việc được phát hiện khi chưa vào vụ mùa táo. Số táo hiện này trên thị trường là còn lại từ vụ năm ngoái.

Người dân nên mua ở các cửa hàng có địa chỉ, nguồn gốc, nhãn mác rõ ràng được các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chặt chẽ, mua hàng trôi nổi thì rất khó biết được chất lượng thế nào, cũng khó để có thể phân biệt táo đỏ từ Trung Quốc, Mỹ hay Australia

Ông Hồng cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, Cục này cũng đã lấy 415 mẫu rau, quả để phân tích, kết quả phát hiện 105 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhưng đều dưới ngưỡng cho phép.

Hồng Hải