Tiêm vaccine sau khi bị chó cắn, người phụ nữ bị phản vệ độ 3
(Dân trí) - Sau khi bị chó cắn vào bắp chân, bệnh nhân tiêm vaccine phòng bệnh dại và huyết thanh kháng uốn ván nhưng lại xuất hiện tình trạng nổi mẩn đỏ, ngứa, khó thở phải nhập viện cấp cứu.
Sáng 8/1, đại diện Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) cho biết, vừa qua nơi đây đã tiếp nhận cấp cứu một trường hợp bị phản ứng bất lợi sau khi tiêm vaccine.
Bệnh nhân là chị T. (46 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) có tiền căn dị ứng hải sản. Khai thác bệnh sử, cách nhập viện một ngày, bệnh nhân bị chó nhà hàng xóm ở quê cắn vào bắp chân trái ngày 1/1, nên có đi tiêm vaccine ngừa dại, huyết thanh kháng dại và uốn ván rồi trở về nhà.
Tuy nhiên 2 giờ sau đó, bệnh nhân xuất hiện tình trạng nổi mẩn đỏ, ngứa, khó thở, huyết áp tụt. Bệnh nhân trở lại bệnh viện đã tiêm ngừa, được xử trí bằng thuốc Adrenaline nhưng không giảm, nên phải nhập viện cấp cứu sau khi đáp chuyến bay vào TPHCM.
Bác sĩ Phan Văn Thành, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU), Bệnh viện Thống Nhất cho biết, khi xuống sân bay, triệu chứng của bệnh nhân rầm rộ hơn, phù mặt, khó thở và ngứa rất nhiều.
Qua thăm khám và dựa vào các triệu chứng, bệnh nhân được chẩn đoán phản vệ độ 3 sau khi tiêm vaccine phòng dại, tiêm huyết thanh kháng dại và kháng uốn ván. Ekip điều trị tiến hành hỗ trợ hô hấp, bù dịch, dùng Adrenaline và Corticoid, thuốc kháng Histamin. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân đã ổn định và đã được về nhà sau 3 ngày nằm viện.
Theo bác sĩ Thành, việc bị phản vệ sau tiêm vaccine không nhiều. Khi bệnh nhân có triệu chứng phản ứng xấu cần vào bệnh viện sớm (trong khoảng 1-2 giờ sau tiêm) để hiệu quả điều trị tốt nhất.
Qua ca bệnh trên, bác sĩ khuyên người dân khi bị chó cắn cần biết cách xử trí vết thương, theo dõi tình trạng chó và tiêm chủng sớm. Sau tiêm, hạn chế di chuyển nơi xa mà cần chú ý theo dõi, để kịp thời phát hiện nếu có phản ứng được can thiệp kịp thời.