Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho bản thân và vì cả cộng đồng
Hiện chỉ có 1-4 ca/triệu người tiêm vắc xin phòng Covid-19 có biểu hiện rối loạn đông máu huyết khối, giảm tiểu cầu. Ở Việt Nam cho đến nay chưa ghi nhận ca nào có biểu hiện rối loạn đông máu.
Với mục tiêu "tiêm đến đâu an toàn đến đấy", Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm sau tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 có an toàn không? Người dân có cần thiết phải tiêm vắc xin phòng Covid-19 không?... Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc BV Bạch Mai, Tổng Thư ký Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam - một trong những chuyên gia đầu ngành về hội sức cấp cứu đã tham gia tư vấn điều trị thành công cho nhiều ca mắc COVID-19 nặng… về những vấn đề này.
1.500 nhân viên y tế của BV Bạch Mai sẽ tiêm vắc xin Covid-19 tuần tới
Hiện nay, Việt Nam đang kiểm soát dịch Covid-19 rất tốt. Chúng ta cũng đã nhiều ngày không ghi nhận ca mắc ngoài cộng đồng. Vậy, theo ông, người dân có cần thiết phải tiêm vắc xin phòng Covid-19 không, vì nhiều người e ngại đây là một vắc xin quá mới?
PGS.TS. Đào Xuân Cơ: Mặc dù Việt Nam đang có những điều kiện rất tốt để kiểm soát dịch, nhưng chúng ta không thể lường trước tất cả các nguy cơ, và cũng không thể khẳng định sẽ không có ca mắc bệnh. Chỉ có tiêm phòng vắc xin và phải đạt trên 70% dân số được tiêm thì chúng ta mới tạo được miễn dịch cộng đồng. Không có vắc xin thì rất khó để kiểm soát dịch trong bối cảnh hiện nay.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã và đang tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 rất khoa học và phù hợp với thực tiễn của đất nước. Chúng ta đã có các văn bản, hướng dẫn chi tiết, tập huấn quy trình tiêm chủng sâu rộng đến tận cán bộ y tế cơ sở. Công tác truyền thông cũng rất tích cực để người dân hiểu mục đích, tầm quan trọng của việc tiêm phòng vaccine Covid-19. Người dân cũng có thể dễ dàng tự phát hiện các triệu chứng, biểu hiện bất thường sau khi tiêm vaccine để đi khám và được xử trí kịp thời.
Đặc biệt, trong công tác xử trí các phản ứng sau tiêm nếu có, chúng ta đã có sự phối hợp rất chặt chẽ từ y tế cơ sở, đến các bệnh viện Trung ương thông qua hình thức trực tuyến vào bất kỳ thời gian nào, và hình thức trực tiếp, để các chuyên gia y tế đầu ngành có thể hướng dẫn xử trí phù hợp nhất. Vì vậy, người dân hãy yên tâm tiêm vắc xin phòng vắc xin Covid-19.
Trong tuần tới, khoảng 1.500/4.000 y, bác sĩ, nhân viên y tế của BV Bạch Mai, trong đó có tôi sẽ tiêm vắc xin phòng Covid-19. Đây là số vắc xin Bộ Y tế phân bổ cho BV trong đợt 2.
Thưa ông, tỷ lệ các phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19 hiện nay ở nước ta so với thế giới như thế nào? Các phản ứng sau tiêm có đáng lo ngại?
PGS.TS. Đào Xuân Cơ: Hiện nay, cả nước đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho gần 210.000 người tại 25 tỉnh, thành phố. Tỷ lệ phản ứng thông thường sau tiêm gặp khoảng 30%, thấp hơn báo cáo của châu Âu và nhà sản xuất.
Sau tiêm, các biểu hiện phản ứng là sốt, mệt mỏi, đau chỗ tiêm… Đây là các biểu hiện thường gặp và cũng là những phản ứng thông thường của cơ thể với tất cả các loại vắc xin nói chung và vắc xin phòng Covid-19 nói riêng. Chỉ một số trường hợp xuất hiện phản ứng dị ứng với các mức độ khác nhau, chủ yếu ở mức độ I, rất ít trường hợp ở mức độ II và III. Tất cả các trường hợp này đều được phát hiện kịp thời và xử trí theo đúng phác đồ của Bộ Y tế ban hành.
Với mục tiêu đảm bảo an toàn cho người đi tiêm, nên khâu tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 của Việt Nam hết sức bài bản. Quy trình tiêm chủng của chúng ta khác hẳn so với các quốc gia trên thế giới. Đó là chúng ta khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm, tổ chức buổi tiêm chủng an toàn, người tiêm được theo dõi sức khỏe tại điểm tiêm ít nhất 30 phút, sau đó tiếp tục được theo dõi sức khỏe tại nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau tiêm. Các BV luôn sẵn sàng, thường trực đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm…
Có thể nói, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới thực hiện quyết liệt, đồng thời các biện pháp trong chương trình tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Chính sự phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống từ y tế cơ sở cho đến tuyến Trung ương, nên các ca có phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19 vừa qua đều được xử lý theo đúng quy định và nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
Theo báo cáo của Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu và các quốc gia sử dụng vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca, cũng như các vắc xin phòng Covid-19 của các công ty khác, trong quá trình tiêm chủng tất cả các vắc xin đều gặp một tỷ lệ rất thấp (hiếm gặp) với 1-4 ca/triệu người tiêm có biểu hiện rối loạn đông máu huyết khối, giảm tiểu cầu. Tuy nhiên, ở Việt Nam cho đến nay chưa ghi nhận ca nào có biểu hiện rối loạn đông máu.
Với sự kết nối chặt chẽ từ tuyến y tế cơ sở đến các BV tuyến Trung ương như ông vừa chia sẻ, xin ông cho biết, khả năng đáp ứng xử trí của các tuyến y tế ở nước ta hiện nay đối với các phản ứng nặng không may xảy ra sau tiêm vắc xin Covid-19 như thế nào?
PGS.TS. Đào Xuân Cơ: Công tác tổ chức tiêm vắc xin ở nước ta được Bộ Y tế triển khai rất chặt chẽ. Bộ đã xây dựng các văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19 và tổ chức tập huấn sâu rộng cho toàn bộ hệ thống y tế ở tất cả các khâu, như tiếp nhận, bảo quản vắc xin, tổ chức buổi tiêm chủng, khám sàng lọc trước khi tiêm, theo dõi và xử trí phản ứng phụ trong và sau khi tiêm…
Đặc biệt, ngày 15/4, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, bao gồm lãnh đạo Bộ Y tế, các nhà khoa học là các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực tiêm chủng, truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu, huyết học, tim mạch, thần kinh… thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn tổ chức sàng lọc, theo dõi xử trí phản ứng sau tiêm vaccine phòng Covid-19, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương xử trí khi có tình huống xảy ra trong quá trình tiêm chủng với mục tiêu "tiêm đến đâu an toàn đến đó".
Có hai phản ứng xảy ra sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 mà người dân đang quan ngại, đó là phản ứng phản vệ và rối loạn đông máu.
Đối với phản ứng phản vệ, Bộ Y tế đã có thông tư hướng dẫn xử trí phản vệ sau tiêm rất kỹ, cụ thể để các cơ sở y tế đều có thể thực hiện được. Thông tư này cũng đã được hướng dẫn triển khai sâu rộng đến các cơ sở y tế thành nhiều đợt thông qua hình thức trực tuyến cũng như trực tiếp. Và thực tế, thời gian qua, một số ca bị phản ứng dị ứng ở các mức độ khác nhau đều đã được nhân viên y tế xử trí kịp thời, sức khỏe của người tiêm bình phục rất nhanh.
Đối với rối loạn đông máu, đây là điều mà các nhà chuyên môn cũng như người dân đang quan ngại nhất. Nhưng như tôi đã nói ở trên, chỉ 1-4 người/triệu người được tiêm có thể gặp phản ứng này. Mặc dù tỷ lệ này rất thấp, nhưng với mục tiêu "tiêm đến đâu an toàn đến đấy", Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm sau tiêm vắc xin phòng Covid-19, nhằm hướng dẫn các cơ sở y tế phát hiện và xử trí kịp thời các trường hợp không may bị rối loạn đông máu sau tiêm. Phác đồ rất rõ ràng để tất cả các cán bộ từ tuyến cơ sở đến tuyến Trung ương đều thực hiện được, đồng thời có thể phối hợp nhanh chóng trong theo dõi và xử trí cho người bệnh khi có biểu hiện phản ứng rối loạn đông máu.
Bên cạnh đó, thông qua hệ thống khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) đã được Bộ Y tế triển khai tới 1.500 cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc, các chuyên gia ở bệnh viện tuyến Trung ương có thể hướng dẫn ngay các cán bộ y tế ở tuyến cơ sở xử lý phản ứng rối loạn đông máu. Theo tôi, hệ thống y tế của chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng xử trí các phản ứng, tai biến sau tiêm vắc xin Covid-19.
Trân trọng cảm ơn ông!