ĐBSCL:

Tiêm vắc xin, gia cầm vẫn bị nhiễm cúm H5N1

(Dân trí) - Tính đến nay, cả nước đã có 16 tỉnh xuất hiện nhiều ổ dịch cúm H5N1 trên gia cầm. Đáng lo hơn, tại ĐBSCL đang xuất hiện tình trạng gia cầm bị chết do nhiễm cúm H5N1 dù số gia cầm này trước đó đã được tiêm vắc xin đầy đủ.

Không lơ là với dịch cúm H5N1

Từ cuối năm 2013 đến nay, TP.Cần Thơ đã ghi nhận 4 ổ dịch cúm gia cầm ở huyện Phong Điền, huyện Thới Lai và đã tiến hành tiêu hủy trên 2.700 con gia cầm. Tuy nhiên nhìn chung những ổ dịch đều xuất hiện ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, do đó công tác quản lý, tỷ lệ tiêm ngừa trên gia cầm ở một số quận, huyện còn thấp…cộng với thời tiết thuận lợi (không khí lạnh như hiện nay) là điều kiện tốt để dịch cúm H5N1 bùng phát.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.Cần Thơ cho biết: “Trong lúc cán bộ địa phương, người dân rất tích cực trong việc phối hợp với ngành để dập dịch thì vẫn còn một số hộ chưa có sự phối hợp với ngành, chẳng hạn như ngành đã thông báo với người dân, bắt gà để tiêm ngừa nhưng người dân cho rằng gà khoẻ mạnh, cán bộ muốn bắt gà thì tự đi bắt,…!”

Tiêm vắc xin, gia cầm vẫn bị nhiễm cúm H5N1

Hiện nay các địa phương đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân nên tình trạng vịt chạy đồng sẽ diễn ra ồ ạt nên công tác quản lí, tiềm ngừa dịch cúm sẽ càng khó khăn hơn

Trong một diễn biến khác, mới đây tại tỉnh Kiên Giang, một ổ dịch cúm gia cầm vừa xảy ra tại Trại giống Nông Lâm Ngư Hòn Đất (huyện Hòn Đất, Kiên Giang) với 4.749 con gà bị tiêu hủy, đồng thời ngành thú y huyện tiến hành tiêm phòng hơn 90.000 liều vắc xin cho các đàn gia cầm tại huyện. Mặt khác tăng cường công tác quản lý chặt hoạt động giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm, đặc biệt là tình trạng nuôi vịt chạy đồng như hiện nay.

Về tình hình dịch cúm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Ông Võ Bé Hiền, Chi cục Trưởng Chi cục Thú ý tỉnh Đồng Tháp, cho biết, hiện tại, ngoài trường hợp một người dân ở địa phương tử vong do nhiễm cúm H5N1 trước tết nguyên đán đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận thêm ổ dịch nào. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát cúm A/H5N1 rất cao vì ở khu vực nông thôn vẫn còn nhiều hộ dân nuôi nhỏ lẻ nhưng ý thức tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm của người dân còn rất hạn chế.

Đồng Tháp cũng như An Giang, tuy chưa phát hiện thêm ổ dịch, nhưng ngành thú y địa phương một mặt tích cực vận động người dân tiêm vắc xin cho gia cầm, mặt khác kết hợp với các cơ quan hữu quan tăng cường công tác tuần tra, ngăn chặn nguồn gia cầm từ nước bạn Campuchia nhập lậu qua các đường biên giới.

Gia cầm tiêm vắc xin vẫn bị nhiễm cúm

Có một điểm chung ở một số tỉnh ĐBSCL hiện nay là tại các chợ quê cho đến các chợ ở thị thành vấn nạn buôn bán gà vịt sống không rõ nguồn gốc được bày bán công khai, người mua, người bán gần như không quan tâm đến dịch cúm H5N1 đang “nở rộ”.

Đáng nói hơn, tại TP Cần Thơ người dân hết sức lo lắng khi đàn gia cầm của họ đã tiêm vắc xin đầy đủ nhưng đàn gà của họ vẫn bị nhiễm cúm mà chết. Cụ thể như trường hợp hộ Nguyễn Thị Hà (ấp Tân Long A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền). Gia đình chị Hà nuôi 1.380 con gà, có tiêm vắc xin đầy đủ nhưng không hiểu sao đàn gà cứ chết dần, chị báo cho cán bộ thú y xã lấy mẫu xét nghiệm, kết quả đàn gà đã dương tính với cúm A/H5N1.

Tiêm vắc xin, gia cầm vẫn bị nhiễm cúm H5N1

Trong khi dịch cúm H5N1 trên gia cầm đang bùng phát, tình trạng buôn bán gia cầm sống từ chợ quê ra chợ tỉnh hầu như không kiểm soát được

Giải thích về vấn đề này, Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.Cần Thơ cho biết: “Năm 2013, Chi cục Thú y xác định trên địa bàn Cần Thơ chỉ có nhánh vi rút 1.1, gây bệnh cúm gia cầm nên dùng vắc-xin 1.1 tiêm cho gia cầm. Tuy nhiên, tại các ổ dịch cúm từ cuối năm 2013 đến nay thì kết quả xét nghiệm do vi rút A/H5N1 nhánh 2.3.2.1C gây nên, do đó, vắc xin tiêm ngừa không phù hợp mới xảy ra tình trạng đàn gà tiêm vắc xin rồi mà vẫn bị nhiễm cúm”.

Ngoài ra, ông Dũng cho biết thêm hiện Cần Thơ đang tồn tại song song 2 nhánh vi rút A/H5N1 gây bệnh cúm trên gia cầm. Do đó loại trừ hoai nghi về việc cán bộ tiêm phòng thiếu liều lượng hoặc không đúng kỹ thuật, quy trình dẫn đến gia cầm tiêm vắc xin vẫn bị nhiễm cúm như thời gian qua.

Về việc gia cầm được tiêm phòng vắc xin rồi gia cầm vẫn bị nhiễm cúm H5N1, theo ông Võ Bé Hiền - Chi cục Trưởng Chi cục Thú ý tỉnh Đồng Tháp cho rằng có thể do việc bảo quản vắc xin không tốt hoặc do gia cầm đã nhiễm bệnh trước đó, nên khi tiêm vắc xin vào, bệnh sẽ bùng phát làm gia cầm tử vong.

Trước tình trạng, gia cầm nhiễm cúm H5N1 mặc dù đã được tiêm vắc xin, Chi cục Thú y TP Cần Thơ đang trao đổi cùng các địa phương trong vùng sớm báo cáo đề nghị cục thú y xem xét cung ứng loại vắc xin phù hợp để tiêm phòng cho gia cầm trên địa bàn.

Được biết hiện nay trên địa bàn  TP.Cần Thơ có đàn gia cầm gần 1,8 triệu con, trong đó, đàn gà 518.320 con, tỷ lệ tiêm phòng chỉ đạt 36%; đàn vịt hơn 1,2 triệu con, tiêm phòng hơn 80%.


Nguyễn Hành