TPHCM:

Tiêm miễn phí vắc xin ngừa viêm não Nhật Bản cho trẻ

(Dân trí) - Để chủ động phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản, từ tháng 8 đến tháng 12 thành phố sẽ tiến hành tiêm chủng miễn phí cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi. Phụ huynh có thể đưa con em mình đến tiêm tại trạm y tế hoặc ở trường trẻ theo học.

Tiêm miễn phí từ nay đến hết năm

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng thuộc Sở Y tế, từ năm 2011 đến hết năm 2013 trên địa bàn có 12 trường hợp viêm não Nhật Bản được phát hiện. Trong 6 tháng đầu năm 2014, thành phố ghi nhận 1 trường hợp nhiễm bệnh. Từ năm 2011 đến nay, TPHCM chưa có trường hợp nào tử vong do viêm não Nhật Bản.

Trẻ đến chích ngừa tại bệnh viện Nhi Đồng 2
Trẻ đến chích ngừa tại bệnh viện Nhi Đồng 2

Ngành Y tế khuyến cáo, tiêm vắc-xin chủng ngừa cho trẻ từ 12 tháng trở lên là biện pháp hiệu quả để tránh bệnh viêm não Nhật Bản. Lịch tiêm chủng như sau: mũi 1 vào ngày tự chọn, mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 1 tuần, mũi thứ 3 cách mũi 2 tối thiểu 12 tháng; sau đó tiêm nhắc mỗi 3 năm một lần cho đến khi trẻ 15 tuổi. Không chỉ trẻ em mà ngay cả người lớn chưa có miễn dịch khi đi đến vùng bệnh viêm não Nhật Bản lưu hành cũng cần tiêm vắc-xin phòng bệnh.

Vắc-xin viêm não Nhật Bản đã được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia từ năm 1997. Tuy nhiên, việc tiêm chủng miễn phí cho trẻ chỉ được áp dụng ở một số vùng có nguy cơ mắc bệnh cao của các tỉnh thành. Trước tình hình bệnh viêm não Nhật Bản diễn biến phức tạp trong thời gian qua, để chủ động phòng bệnh cho trẻ, từ tháng 8 đến tháng 12, TPHCM sẽ tiến hành tiêm chủng miễn phí cho tất cả trẻ từ 1 đến 5 tuổi chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ 3 mũi vắc xin cơ bản ngừa viêm não Nhật Bản.  

Theo dự kiến của Sở Y tế, trẻ có thể được tiêm chủng tại trường học hoặc tại các trạm y tế phường xã. Khi đưa trẻ đi tiêm chủng tại trạm y tế, phụ huynh cần mang theo sổ hoặc phiếu tiêm chủng của trẻ để nhân viên y tế tư vấn và chỉ định tiêm. Nếu trẻ tiêm tại trường học, cha mẹ cần cung cấp đầy đủ thông tin về tiền sử tiêm chủng vắc-xin viêm não Nhật Bản của trẻ theo hướng dẫn của giáo viên, để nhân viên y tế có cơ sở chỉ định tiêm chủng.

Việc tiêm chủng vắc xin viêm não Nhật Bản khá an toàn; sau khi tiêm một số trẻ có thể xuất hiện một số biểu hiện không mong muốn như sốt, sưng đỏ tại chỗ tiêm… Các biểu hiện này thường tự khỏi hoặc có thể điều trị bằng các thuốc thông thường. Sau tiêm chủng, trẻ phải được theo dõi 30 phút tại nơi tiêm; đồng thời cha mẹ cần theo dõi sát tình trạng sức khoẻ của trẻ trong vài ngày sau.

Sau tiêm vắc xin vẫn có thể mắc viêm não Nhật Bản

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết: Bệnh Viêm não Nhật Bản do vi rút tồn tại trên vật chủ là chim di trú và heo, lây truyền cho con người qua trung gian là muỗi. Loài muỗi truyền bệnh thường sinh sống tại các vùng trồng lúa nước, vườn cây ăn trái, chuồng trại… chúng có thể bay xa với bán kính khoảng 300m. 

Với đặc thù sống ngoài đồng ruộng nên việc tiêu diệt muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản là phương án bất khả thi. Bệnh viêm não Nhật Bản không phải gánh nặng của người dân sinh sống tại thành phố, tuy nhiên nguy cơ nhiễm bệnh vẫn rất cao nếu không được chủng ngừa.

Theo BS Trương Hữu Khanh (đứng giữa) sau chích ngừa trẻ vẫn có thể mắc bệnh
Theo BS Trương Hữu Khanh (đứng giữa) sau chích ngừa trẻ vẫn có thể mắc bệnh

Cũng theo BS Hữu Khanh, bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản thường có các biểu hiện: sốt cao, ho, đau đầu, ói, tiêu chảy hoặc chỉ sốt mà không có biểu hiện khác. Bệnh có thể khởi phát đột ngột với các triệu chứng: sốt cao, thở mệt, co giật, hôn mê. Khi thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng trên, phụ huynh cần đưa con đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị sớm. Nếu không được can thiệp kịp thời, trẻ có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại những di chứng nặng nề về tâm thần và vận động.

Tiêm ngừa viêm não Nhật Bản đang được xem là giải pháp hàng đầu. Tuy nhiên, theo phân tích của BS Hữu Khanh, trẻ đã chích ngừa viêm não Nhật Bản vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh bởi bệnh do nhiều loại siêu vi trùng khác nhau gây nên. Vì thế, bên cạnh tiêm vắc-xin phòng bệnh người dân nên tăng cường các biện pháp diệt muỗi, ngủ mùng thường xuyên, phát quang bụi rậm quanh nhà, thường xuyên vệ sinh chuồng trại chăn nuôi gia, khu chăn nuôi cần cách xa khu vực sinh sống của các hộ gia đình.   

Vân Sơn