Tia UV ở ngưỡng nguy hại, làm thế nào để điều trị bỏng nắng?

(Dân trí) - Bức xạ tia cực tím từ ánh nắng mặt trời có thể làm viêm các tế bào da, gây ra một loạt các triệu chứng khó chịu như ngứa và đau nhức. Nó cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư da.

Tia UV ở ngưỡng nguy hại, làm thế nào để điều trị bỏng nắng? - 1

Nha đam được coi là một trong những phương pháp điều trị tốt nhất cho bỏng nắng.

Đối với bỏng nắng nhẹ, có một số biện pháp để giảm đau trong khi chờ cho da lành lại. Tuy nhiên, nếu bỏng nắng nghiêm trọng, thì nên xem xét việc đi khám.

Triệu chứng

Nhiều người trong chúng ta đã quen thuộc với các triệu chứng phổ biến nhất của bỏng nắng nhẹ. Chúng bao gồm:

• Đỏ

• Đau

• Da cảm thấy nóng khi sờ vào

• Ngứa

• Sưng

• Tróc da

Nhưng trong một số trường hợp, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nếu bạn có những triệu chứng này cùng với phát ban, sốt hoặc các triệu chứng giống cúm khác, bạn có thể bị một loại bỏng nắng nghiêm trọng hơn gọi là ngộ độc nắng.

Tia UV ở ngưỡng nguy hại, làm thế nào để điều trị bỏng nắng? - 2

Ngộ độc nắng

Tróc da

Ban đỏ

Buồn nôn

Bọng nước

Chóng mặt

Sốt

Sưng

Ngứa

Đỏ

Đau

Bỏng nắng

Bỏng nắng so với ngộ độc nắng

Ngộ độc nắng là gì?

Ngộ độc nắng có thể bị nặng thêm bởi một số bệnh lý khiến da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời. Ví dụ, những người bị lupus, eczema hoặc trứng cá đỏ đặc biệt có nguy cơ bị ngộ độc nắng. Điều này cũng đúng với những người dùng một số loại thuốc kháng sinh hoặc thuốc trị mụn trứng cá.

Nếu bạn có triệu chứng ngộ độc nắng hoặc bọng nước do bỏng nắng bị sưng hoặc hóa mủ, bạn nên đi khám bác sĩ ngay lập tức. Rộp da do bỏng nắng là dấu hiệu của bỏng nắng độ hai và có thể gây sẹo hoặc nhiễm trùng nếu không được điều trị đúng cách.

Ngứa dữ dội

Trong một số trường hợp cực kỳ hiếm gặp, bỏng nắng có thể gây ngứa không thể chịu được và không kiểm soát được. Khác xa với cảm giác châm chích nhẹ của bỏng nắng thông thường, ngứa dữ dội là một tình trạng đau đớn có cảm giác như "kiến lửa đốt dưới da". Điều tốt nhất bạn có thể làm là điều trị nó như một vết bỏng nắng thông thường và đợi nó dịu đi.

Điều trị bỏng nắng

Mặc dù có thể mất vài giờ để bạn nhận thấy màu đỏ đặc trưng đi kèm với bỏng nắng, bạn nên cố gắng điều trị ngay khi thấy các triệu chứng.

Những cách điều trị có tác dụng

Dưới đây là 7 biện pháp khắc phục tại nhà đã được chứng minh là có tác dụng giảm đau và khó chịu cho làn da bị cháy nắng:

1. Chườm mát: Bước đầu tiên để điều trị bỏng nắng là làm mát nó càng sớm càng tốt. Điều này giúp giảm viêm và thậm chí có thể ngăn ngừa sự phát triển của các triệu chứng như ngứa. Để chườm mát, hãy bỏ vài viên đá vào túi nhựa, bọc nó trong một miếng vải mềm và đặt lên chỗ bị cháy nắng.

2. Tắm nước lạnh hoặc tắm mát: Tắm nước lạnh cũng sẽ giúp làm mát làn da. Chỉ cần chắc chắn không sử dụng bất kỳ loại xà phòng tẩy rửa mạnh nào khi tắm, vì những thứ này có thể gây kích ứng da hơn nữa.

3. Giữ ẩm cho da: Cháy nắng làm mất nước của da, phá vỡ hàng rào bảo vệ da. Giữ ẩm cho da có thể giúp phục hồi lại hàng rào này để vết cháy nắng có thể lành nhanh hơn. Nó cũng có thể giúp giảm các triệu chứng như tróc da và ngứa. Để có kết quả tốt nhất, hãy sử dụng kem dưỡng ẩm không mùi hương ngay sau khi ra khỏi phòng tắm. Tắm vòi sen làm giãn lỗ chân lông, cho phép da của bạn hấp thụ độ ẩm tốt hơn.

4. Dùng thuốc chống viêm: Thuốc giảm đau NSAID, như aspirin hoặc ibuprofen, sẽ giúp giảm viêm. Điều này có thể làm giảm các triệu chứng gây đau nhất của cháy nắng, như sưng và phỏng nước.

5. Bôi nha đam: Nha đam là một trong những phương thuốc tự nhiên tốt nhất để điều trị bỏng nắng. Nó chứa một số thành phần làm dịu, bao gồm các vitamin làm lành da và các hợp chất chống viêm. Bôi nha đam vào vùng bị ảnh hưởng thậm chí có thể kích thích sản sinh collagen, giúp da nhanh lành hơn.

6. Uống đủ nước: Vì bỏng nắng có thể gây mất nước, điều quan trọng là phải uống nhiều nước trong khi vết bỏng nắng liền lại. Điều này sẽ giúp da bổ sung độ ẩm bị mất.

7. Bôi kem hydrocortisone: Bạn có thể mua kem hydrocortisone mà không cần đơn bác sĩ. Thuốc này giúp điều trị các bệnh da khác nhau và có thể làm giảm đỏ và sưng cho vết bỏng nắng đặc biệt nặng nếu bôi ngay sau khi các triệu chứng xuất hiện.

Những biện pháp nào không có tác dụng?

Có một số hiểu lầm về cách điều trị bỏng nắng. Nhưng nhiều biện pháp không được khoa học ủng hộ và một số thậm chí có thể làm cho tình trạng bỏng nắng tồi tệ hơn. Đừng thử những biện pháp sau ở nhà:

Giấm: Một phương thuốc dân gian phổ biến là giấm. Nhưng giấm có độ pH từ 2 đến 3, nghĩa là nó có tính axit cao. Tính axit này có thể "phá hủy hàng rào bảo vệ da đã bị tổn thương" khi da bị cháy nắng. Làm hỏng hàng rào này có thể dẫn đến viêm và đau nhiều hơn.

Giấm cũng chứa các thành phần như axit axetic, axit lactic, axit citric và axit malic, có thể gây bỏng hóa học trên da nhạy cảm.

Dầu dừa: Mặc dù nhiều người rất tin tưởng dầu dừa, nhưng hãy tránh xa nó nếu bạn bị bỏng nắng. Bôi dầu dừa lên vết bỏng mới có thể “bẫy” nhiệt trên da, làm kéo dài quá trình viêm. Dầu dừa cũng là loại kem dưỡng ẩm không hiệu quả vì nó quá đặc để thấm qua hàng rào bảo vệ da.

Tắm nước nóng: Mặc dù một số người tin rằng tắm nước nóng có thể làm dịu cơn đau do cháy nắng, nước nóng thực sự có thể làm vết bỏng nặng hơn. Tưới nước nóng lên da sẽ làm tăng đường kính các mạch máu, tăng lưu lượng máu đến bề mặt da và khiến đau tăng lên.

Kem cạo râu: Mặc dù kem cạo râu có đặc tính giữ ẩm, nhưng nó không phải là thứ tốt nhất để chống bỏng nắng. Kem cạo râu cũng chứa một số chất có thể gây kích ứng da bị viêm. Nó cũng có thể làm phỏng nước nặng thêm.

Phòng ngừa

Để tránh bị bỏng nắng ngay từ đầu, bạn nên đề phòng trước khi tiếp xúc với bức xạ UV từ mặt trời. Dưới đây là một số bước để bảo vệ bản thân trước ánh nắng mặt trời và giảm nguy cơ ung thư da.

1. Tránh ánh nắng mặt trời trong giờ cao điểm. Thời gian này thường là trong khoảng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, nhưng có thể khác nhau tùy thuộc vào địa điểm và thời gian trong năm. Ngay cả khi ở trong nhà hoặc trong xe hơi, nên tránh ánh nắng chiếu trực tiếp trong thời gian dài mà không được bảo vệ vì bạn vẫn có thể bị tổn thương bởi ánh nắng mặt trời qua cửa sổ.

2. Sử dụng kem chống nắng phổ rộng tối thiểu SPF 30. Phổ rộng có nghĩa là nó bảo vệ chống lại cả bức xạ UVA và UVB. Thoa lại kem chống nắng sau mỗi hai giờ, và thường xuyên hơn nếu bạn đang bơi hoặc đổ mồ hôi. Điều này rất quan trọng, ngay cả khi bạn có làn da sẫm màu và thường không bị cháy nắng.

3. Kiểm tra hạn sử dụng trên kem chống nắng. Theo thời gian, các hoạt chất trong kem chống nắng bảo vệ chống lại tia UV sẽ bị phá vỡ khiến kem chống nắng kém hiệu quả. Nếu kem chống nắng đã hết hạn, hãy mua một chai mới để bảo vệ tối ưu.

4. Tránh nhuộm da và tắm đèn vì không có cái gọi là một làn da rám nắng khỏe mạnh. Da sạm đen, rám nắng là dấu hiệu của tổn thương do ánh nắng mặt trời. Đặc biệt nên tránh tắm đèn trong nhà, vì chỉ một lần tắm đèn có thể làm tăng 75% khả năng mắc một loại ung thư da chết người gọi là u hắc tố ác tính.

5. Mang đồ bảo vệ như mũ rộng vành hoặc áo dài tay để bảo vệ da. Bạn cũng nên đeo kính râm để che mắt khỏi bị bỏng.

Điều tốt nhất cho da là tránh bị bỏng nắng ngay từ đầu. Ánh nắng làm tổn thương các tế bào da, gây ra nếp nhăn và lão hóa sớm. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều lần thậm chí có thể khiến bạn có nguy cơ bị u hắc tố ác tính và các bệnh ung thư da khác.

Chỉ cần đảm bảo chắn nắng kỹ khi ở ngoài trời và liên tục sử dụng kem chống nắng trong suốt cả ngày bạn sẽ ngăn ngừa được tác động xấu của tia UV, ngăn ngừa nguy cơ bỏng nắng, ung thư da.

Cẩm Tú

Theo Insider